Thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
25/05/2024 11:00 AM

Thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp được quy định tại Luật Đầu tư công 2019 .

Thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Dự án đầu tư công khẩn cấp là gì?

Dự án đầu tư công khẩn cấp là dự án đầu tư công nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(Khoản 14 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019)

2. Thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp

Thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp được quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư công 2019 như sau:

- Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc cấp mình quản lý.

- Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư theo trình tự, thủ tục sau đây:

+ Giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng tổ chức khảo sát, lập báo cáo đề xuất dự án;

+ Giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công hoặc đơn vị có chức năng thẩm định dự án;

+ Chỉ đạo cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a khoản này hoàn chỉnh báo cáo đề xuất dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 35 Luật Đầu tư công 2019.

-  Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương báo cáo Chính phủ việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp tại kỳ họp gần nhất.

3. Dự án đầu tư công khẩn cấp có phải quyết định chủ trương đầu tư không?

Căn cứ quy định khoản 6 Điều 18 Luật Đầu tư công 2019 quy định các nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:

- Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

- Nhiệm vụ quy hoạch;

- Dự án đầu tư công khẩn cấp;

- Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia;

- Dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Như vậy, theo quy định nêu trên, dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư.

4. Những trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư công

Việc điều chỉnh dự án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

- Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

- Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án;

- Do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án;

- Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;

- Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đó, cấp quyết định đầu tư dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh dự án sau khi dự án đã được thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá theo quy định của Luật Đầu tư công 2019.

Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án.

(Khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công 2019)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,302

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]