Trường hợp áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn (Hình từ Internet)
Cụ thể, cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn sẽ được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
- Người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, gồm:
+ Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;
+ Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
+ Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Đã áp dụng các biện pháp này nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước
- Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019
- Theo đề nghị của cơ quan hải quan.
(Khoản 1 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
Các hóa đơn bị ngừng sử dụng bao gồm các loại hóa đơn:
- Hóa đơn tự in do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in;
- Hóa đơn đặt in do các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc cơ quan thuế đặt in;
- Hóa đơn điện tử do các tổ chức, cá nhân kinh doanh khởi tạo, lập theo quy định của pháp luật.
(Điểm b Khoản 1 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
Việc ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn phải được dựa trên các căn cứ như sau:
- Thông tin về hóa đơn của người nộp thuế bị cưỡng chế tại cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế hoặc dữ liệu của cơ quan, tổ chức khác (nếu có).
- Thông tin về tình hình sử dụng hóa đơn do người nộp thuế bị cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác (nếu có) cung cấp theo yêu cầu của cơ quan thuế trong trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không đầy đủ.
(Khoản 2 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
Cụ thể tại Khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn như sau:
(1) Ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế cơ quan thuế phải đăng tải quyết định cưỡng chế và thông báo ngừng sử dụng hóa đơn trên trang thông tin điện tử ngành thuế hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định.
(2) Trong thời gian thực hiện biện pháp cưỡng chế này, cơ quan thuế không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn của tổ chức, cá nhân đang bị cưỡng chế, không cấp mã đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không cấp hóa đơn, không bán hóa đơn cho người nộp thuế đang bị cưỡng chế (trừ trường hợp quy định tại (4)).
(3) Cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này kèm theo thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn theo Mẫu số 04-2/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Ngay trong ngày ban hành quyết định chấm dứt thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế phải đăng tải trên trang thông tin điện tử ngành thuế hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định.
(4) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.