Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
15/06/2024 08:45 AM

Ngày 12/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg về Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Hình từ internet)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

(1) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước.

- Định kỳ đánh giá phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tham mưu tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng, kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng.

- Hướng dẫn tổ chức hoạt động và bình xét thi đua của cụm thi đua, khối thi đua do Hội đồng tổ chức.

- Xem xét, cho ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu đối với các danh hiệu vinh dự nhà nước “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng (gọi tắt là danh hiệu Anh hùng) để tham mưu, tư vấn cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Thường trực Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Lập kế hoạch và chương trình công tác của Hội đồng.

- Thông qua dự thảo chương trình, nội dung công tác trình Hội đồng thảo luận tại các kỳ họp, thông báo kết luận các kỳ họp của Hội đồng.

- Xử lý những vấn đề phát sinh đột xuất cần có ý kiến của tập thể do không thể chờ đến kỳ họp của Hội đồng hoặc không tổ chức họp Hội đồng đột xuất, sau đó báo cáo lại với Hội đồng trong phiên họp Hội đồng gần nhất.

- Thông qua dự thảo văn bản để triển khai các chủ trương công tác và các kết luận của Chủ tịch Hội đồng.

- Xem xét, cho ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu về việc tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho cá nhân; xem xét, cho ý kiến về việc tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” cho các tập thể được quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Thi đua, khen thưởng.

Thành viên Thường trực Hội đồng có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của Thường trực Hội đồng theo quy định. Trường hợp vắng mặt không tham gia họp được thì báo cáo với Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng.

(3) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

- Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo mọi hoạt động của Hội đồng, chủ trì và kết luận các phiên họp của Hội đồng.

- Nhiệm vụ của các Phó Chủ tịch Hội đồng:

+ Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng là Phó Chủ tịch nước, chịu trách nhiệm thay mặt Chủ tịch Hội đồng ký các văn bản của Hội đồng; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế và các quyết định về chủ trương công tác của Hội đồng; Chủ trì, kết luận các phiên họp của Hội đồng nếu Chủ tịch Hội đồng vắng mặt hoặc ủy quyền; chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra của Hội đồng; Chủ trì, kết luận các phiên họp của Thường trực Hội đồng nếu Chủ tịch Hội đồng vắng mặt hoặc ủy quyền.

+ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm chủ trì giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng, ký các văn bản của Hội đồng theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng; thay mặt Thường trực Hội đồng báo cáo Hội đồng về các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng, báo cáo Thường trực Hội đồng về các trường hợp đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”.

+ Phó Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận, chịu trách nhiệm phụ trách phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phong trào thi đua trong các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

+ Phó Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đảm nhận, chịu trách nhiệm phụ trách phong trào thi đua trong công nhân, viên chức và người lao động thuộc các thành phần kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.

- Nhiệm vụ của ủy viên thường trực Hội đồng:

Ủy viên Thường trực Hội đồng là Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng và nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng.

(4) Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Ủy viên Hội đồng được sử dụng bộ máy của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy định của Quy chế này và có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

- Theo dõi, chỉ đạo hoạt động của các cụm thi đua, khối thi đua và phong trào thi đua do Hội đồng phân công theo dõi, phụ trách; phong trào thi đua thuộc phạm vi của các bộ, ban, ngành, tỉnh phát động được giao cá nhân phụ trách.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương công tác của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và Thường trực Hội đồng.

- Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng theo quy định. Trường hợp vắng mặt không tham gia được thì Ủy viên Hội đồng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng.

- Thực hiện việc xem xét, cho ý kiến bằng phiếu đối với tập thể, cá nhân được đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

(5) Nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Cơ quan thường trực của Hội đồng là cơ quan giúp việc cho Hội đồng và Thường trực Hội đồng, có các nhiệm vụ sau đây:

- Dự thảo nội dung các văn bản theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

- Tham mưu và triển khai thực hiện trình tự thủ tục hồ sơ trình Hội đồng và Thường trực Hội đồng về các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng, tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Cờ thi đua của Chính phủ để Hội đồng và Thường trực Hội đồng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

- Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng về việc đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng đối với các trường hợp đạt số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng theo quy định.

- Tổng hợp ý kiến của các thành viên Thường trực Hội đồng về việc đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho cá nhân, danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” cho tập thể dẫn đầu cụm thi đua, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Tổ chức triển khai thực hiện các kết luận của Hội đồng, giải quyết các công việc, nhiệm vụ của Hội đồng, xử lý các thông tin, ý kiến đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, tỉnh; tổng hợp báo cáo công tác của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hội đồng, Thường trực Hội đồng họp định kỳ và xem xét các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, danh hiệu Anh hùng.

- Dự trù kinh phí hoạt động của Hội đồng, Thường trực Hội đồng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 257

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]