Chính sách với cán bộ trong cơ quan Đảng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/07/2024 14:45 PM

Sau đây là quy định về chính sách với cán bộ trong cơ quan Đảng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi.

Chính sách với cán bộ trong cơ quan Đảng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi

Chính sách với cán bộ trong cơ quan Đảng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi (Hình từ Internet)

1. Chính sách với cán bộ trong cơ quan Đảng không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi

Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ở xã, phường, thị trấn theo Điều 3 Nghị định 26/2015/NĐ-CP như sau:

- Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng thêm các chế độ sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

+ Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho tổng số hai mươi năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội; từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương;

+ Đối với cán bộ xếp lương chức vụ:

Tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi, nếu đã xếp lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm từ đủ 48 tháng trở lên thì được xếp lên bậc 2 của chức danh hiện đảm nhiệm để nghỉ hưu;

+ Đối với cán bộ xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo:

Cán bộ chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ mà trong thời gian giữ bậc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật và tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi, còn thiếu từ 01 đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn để nghỉ hưu.

Cán bộ đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ, đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật trong thời gian 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì được nâng ngạch không qua thi lên ngạch trên liền kề để nghỉ hưu;

+ Đối với cán bộ cấp xã công tác tại nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên; cán bộ cấp xã có thời gian tham gia quân đội, công an và được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương các loại nếu còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 2,5 năm (30 tháng) trở xuống mới đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu để thực hiện chế độ hưu trí.

- Tiền lương tháng để tính trợ cấp được xác định bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu, bao gồm: Mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).

- Thời gian công tác tính hưởng trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định và chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ phục viên.

- Khi tính trợ cấp nếu thời gian nghỉ hưu trước tuổi hoặc thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì được tính như sau:

+ Dưới 03 tháng thì không tính;

+ Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng thì được tính bằng 1/2 năm;

+ Từ trên 06 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng một năm.

2. Nguyên tắc xếp lương và phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng

Nguyên tắc xếp lương và phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Đảng, Mặt trận và các đoàn thể (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh) từ Trung ương đến cơ sở theo Điều 6 Quyết định 128/QĐ-TW năm 2004 như sau:

- Việc xếp lương, nâng bậc lương và áp dụng các chế độ phụ cấp thực hiện theo quy định chung do Chính phủ ban hành.

- Đối với các chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) chuyên trách Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện, ngoài lương hưu, hàng tháng được hưởng 90% mức lương chuẩn và phụ cấp chức vụ (không phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế).

Đối với cựu chiến binh thuộc chỉ tiêu biên chế được duyệt làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ từ Trung ương đến cấp huyện, ngoài lương hưu, hàng tháng được hưởng cao nhất 90% mức lương chuẩn của cấp phó lãnh đạo trực tiếp cùng cấp (không phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,159

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]