Hướng dẫn xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/09/2024 09:15 AM

Nội dung bài viết sau hướng dẫn xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định pháp luật hiện hành, theo đó là cơ chế chỉ đạo, chỉ huy điều hành.

Hướng dẫn xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mới nhất

Hướng dẫn xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Hướng dẫn phân cấp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Tại Điều 10 Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định về phân cấp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như sau:

- Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó các sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

+ Tình huống sự cố và tìm kiếm, cứu nạn xảy ra tại cơ sở (xã, phường, thị trấn) phải chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả. Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở phải báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động lực lượng đến hỗ trợ ứng cứu.

+ Tình huống xảy ra trong phạm vi rộng bao gồm nhiều địa phương thì các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tại các địa phương nơi xảy ra tình huống cùng phối hợp ứng phó.

+ Khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (qua Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn) để chỉ đạo ứng phó.

Trường hợp cần thiết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất huy động lực lượng của các bộ, ngành, địa phương khác đến hỗ trợ ứng cứu. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp ứng phó.

- Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó các tình huống về thiên tai được thực hiện theo quy định tại các Điều 7 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 1), Điều 8 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 2), Điều 9 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 3), Điều 10 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 4) và Điều 11 (Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai) Nghị định 66/2014/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai 2013.

- Trong các trường hợp cần phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trong việc ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên lãnh thổ của Việt Nam hoặc do Việt Nam quản lý, thực hiện theo quy định pháp luật về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.

2. Hướng dẫn xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mới nhất

Theo Điều 13 Nghị định 30/2017/NĐ-CP hướng dẫn xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như sau:

- Khi có dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động nguy cơ hoặc xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; người đứng đầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và duy trì hoạt động của cơ quan thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ở các cấp theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định 30/2017/NĐ-CP.

- Khi sự cố xảy ra, căn cứ mức độ sự cố, vụ việc cần thiết phải thành lập ngay sở chỉ huy hiện trường với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ làm việc 24/24 giờ; hệ thống thông tin chỉ huy hiện trường và kết nối về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp, với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo.

+ Cơ quan quân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập sở chỉ huy đối với các tình huống sự cố, thiên tai quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l, m khoản 1 Điều 3 Nghị định 30/2017/NĐ-CP;

+ Cơ quan phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập sở chỉ huy đối với tình huống sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Chỉ đạo việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước, kiểm tra các công trình, phương tiện và lực lượng có thể huy động sử dụng ứng phó khi cần thiết; điều hành, chỉ huy các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dùng để ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả xảy ra. Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực hiện theo quy định tại các Điều 7, 8, 9 và Điều 10 Nghị định 66/2014/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai 2013 và quy định tại các Điều 14, 15 Nghị định 30/2017/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,153

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]