Quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/10/2024 17:00 PM

Bài viết sau cập nhật quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định pháp luật hiện hành.

Quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Hình ảnh từ Internet)

1. Căn cứ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải dựa vào các căn cứ sau đây:

- Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

- Diện tích rừng, đất quy hoạch để trồng rừng.

- Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức; đề nghị giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

- Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

(Điều 15 Luật Lâm nghiệp 2017, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 248 Luật Đất đai 2024)

2. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác từ 01/4/2024

Theo Điều 19 Luật Lâm nghiệp 2017 (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 248 Luật Đất đai 2024) thì việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

- Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

- Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

3. Thẩm quyền  chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Theo Điều 23 Luật Lâm nghiệp 2017 (sửa đổi bởi Điều 248 Luật Đất đai 2024) quy định về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng được Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 248 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức, trừ việc thu hồi rừng đối với trường hợp thu hồi đất có rừng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai 2024;

Còn Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với cộng đồng dân cư;

Tuy nhiên trong trường hợp khu vực thu hồi rừng có cả đối tượng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi rừng.

4. Quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

Tại Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như sau:

- Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên.

- Chủ dự án quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017 tự trồng rừng thay thế phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh.

- Số tiền nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh bằng diện tích rừng phải trồng thay thế quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Lâm nghiệp 2017 nhân với đơn giá cho 01 ha rừng trồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.

- Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành trách nhiệm nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 218

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]