Thời gian qua, trung tâm cũng đã tiếp nhận nhiều đơn yêu cầu trợ giúp làm giấy chứng minh nhân dân và đã trợ giúp thành công. Tuy nhiên, qua công việc, chúng tôi thấy việc làm được giấy chứng minh cũng không phải đơn giản vì vướng hộ khẩu. Do vậy tôi mạnh dạn đề xuất cần có cơ chế, chính sách riêng về nhập hộ khẩu… làm cơ sở cấp giấy chứng minh cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Sau thời gian được trợ giúp của trung tâm, các con của ông Đặng Thành Phát đã có giấy khai sinh nhưng chưa có hộ khẩu và CMND. Ảnh: NH
Khó nhập hộ khẩu vì vướng hợp đồng
Điều kiện để có giấy chứng minh là phải có hộ khẩu thường trú, tức là phải có nhà ở hợp pháp hoặc được bảo lãnh. Với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như cha hoặc mẹ chết mà người kia bỏ đi đâu không rõ, hiện sống với người thân; cha, mẹ chết trẻ sống với ông bà, cô chú, có hộ khẩu thường trú nhưng nhà đã bán, hoặc cha hoặc mẹ đã bị xóa hộ khẩu gốc… thì việc nhập hộ khẩu để làm giấy chứng minh cho các cháu là rất khó.
Trước đây trung tâm tiếpnhận trường hợp của cháu Châu Ngọc Phương, cha là Nguyễn Ngọc Khuy, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ không đăng ký kết hôn. Mẹ chết, cha có hộ khẩu gốc tại Bình Chánh (TP.HCM) nhưng đã bị xóa, họ hàng không có người nào bảo lãnh nhập hộ khẩu. Trung tâm đã tham gia làm khai sinh cho cháu nhưng đến giai đoạn nhập hộ khẩu để àm các thủ tục tiếp theo thì vướng lại. Sau đó một người dân đã bảo lãnh cho gia đình nhưng lại không thể làm hợp đồng cho thuê nhà hay cho ở nhờ vì bản thân anh Khuy cũng không có chứng minh để thực hiện các giao kết. Đến nay gia đình cháu vẫn chưa thể nhập hộ khẩu vào đâu nên có thể thấy ngay trước mắt là cháu cũng sẽ không làm được giấy chứng minh. Nếu cháu Phương có nguyện vọng đi học lên cao thì cũng không thể vì cháu chỉ có mỗi giấy khai sinh.
Trường hợp khác là gia đình ông Đặng Thành Phát có ba người con đã đến tuổi đăng ký cấp giấy chứng minh nhưng cũng chưa thể làm được. Gia đình ông Phát có hộ khẩu TP nhưng căn nhà duy nhất người mẹ đã bán, hiện nay phải đi ở thuê. Hỏi để nhập hộ khẩu lại nhà cũ thì chủ nhà không đồng ý vì lo ngại nhiều việc không hay sẽ xảy ra.
Làm cam đoan bảo lãnh là đủ
Việc cấp giấy chứng minh là hết sức cần thiết cho mọi người, đặc biệt là cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu không có giấy chứng minh các em sẽ rất khó thực hiện các giao dịch bắt buộc phải xuất trình giấy tờ.
Trước đây hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Năm 2010, Chính phủ ra Nghị quyết số 52, trong Phụ lục đính kèm như sau: Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng một số hợp đồng, trong đó có hợp đồng thuê nhà ở. Quy định này được khẳng định trong Thông báo số 63 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thực thi phương án đơn giản hóa bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng hợp đồng về nhà ở... Như vậy hiện nay hợp đồng cho thuê nhà ở không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, với những người cha mẹ không có giấy tờ tùy thân nên dù pháp luật không bắt buộc công chứng thì cũng khó có thể ký hợp đồng thuê nhà hoặc hợp đồng cho ở nhờ để làm cơ sở nhập hộ khẩu.
Do vậy, theo tôi cần vận dụng cho chủ nhà viết tường trình cam đoan không khiếu nại đối với việc bảo lãnh cho nhập hộ khẩu thay cho hợp đồng cho thuê, cho ở nhờ. Mặt khác cũng không nên quy định bắt buộc diện tích nhà phải đảm bảo đủ 5 m2/ người trong trường hợp đặc biệt khó khăn này.
Quản lý bằng dữ liệu tin học Qua thực tế trên có thể thấy việc muốn có giấy chứng minh phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà ở hợp pháp gây không ít khó khăn cho người dân. Được biết ngành công an đã có cơ sở dữ liệu dân cư qua các cuộc điều tra dân số. Đội ngũ cảnh sát khu vực quản lý hộ gia đình cũng đã quản lý tốt, thường xuyên cập nhật thống kê dân số của địa bàn. Do vậy, cần nâng cấp hệ thống nhập cơ sở dữ liệu công dân của toàn TP hướng đến quản lý dân cư trong toàn quốc bằng tin học hóa, không phải cầm quyển sổ hộ khẩu. Nếu công dân có yêu cầu trích xuất xác nhận thông tin về nhân thân hộ gia đình thì nhà quản lý có thể mở mạng thông tin bảo mật nội bộ và xác nhận cấp theo yêu cầu, có thu phí sau mỗi lần cấp hoặc công dân đến tuổi phải đăng ký cấp giấy chứng minh lần đầu hoặc cấp lại mà không cần phải xuất trình hộ khẩu. Giải pháp tiếp theo nữa là không quy định ghi địa chỉ, nơi cư trú trong giấy chứng minh thì sẽ giúp cho mọi việc thuận lợi, gọn nhẹ hơn. |
HUỲNH TẤN ĐẠT, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM