Quá hạn tạm giữ xe vi phạm giao thông mà không có người đến nhận thì xử lý thế nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tại Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính như sau:
- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
- Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan theo quy định nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp xe vi phạm giao thông bị tạm giữ trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
Tại khoản 4 Điều Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để xác minh tình tiết hoặc để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:
- Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần.
Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Như vậy, nếu hết thời hạn theo quy định nêu trên mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu xe vi phạm giao thông.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về việc trả lại phương tiện giao thông bị tạm giữ, cụ thể:
- Việc trả lại phương tiện giao thông bị tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có quyền ra quyết định tạm giữ;
- Người quản lý, bảo quản phương tiện giao thông bị tạm giữ thực hiện việc trả lại hoặc chuyển phương tiện khi đã có quyết định trả lại phương tiện theo trình tự như sau:
+ Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện hoặc quyết định chuyển phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận;
Lưu ý: Người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ hoặc đại điện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ phương tiện. Nếu chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận tại phương tiện bị tạm giữ thì phải lập văn bản ủy quyền.
+ Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của người quản lý. Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản;
+ Trường hợp chuyển phương tiện cho cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc cơ quan giám định thì người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành 02 bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ 01 bản.
Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông: Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY Hoặc Quét mã QR dưới đây: |