18 nội dung quản lý nhà nước về đất đai từ ngày 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
27/02/2024 13:00 PM

Xin cho tôi hỏi nội dung quản lý nhà nước về đất đai từ ngày 01/01/2025 được quy định như thế nào? - Văn Tài (Hòa Bình)

18 nội dung quản lý nhà nước về đất đai từ ngày 01/01/2025

18 nội dung quản lý nhà nước về đất đai từ ngày 01/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024.

18 nội dung quản lý nhà nước về đất đai từ ngày 01/01/2025

Căn cứ Điều 20 Luật Đất đai 2024, nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:

- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.

- Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.

- Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.

- Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.

- Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

- Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.

- Quản lý tài chính về đất đai.

- Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.

- Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.

- Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.

- Thống kê, kiểm kê đất đai.

- Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

- Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

- Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

- Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về đất đai

Cụ thể tại Điều 21 Luật Đất đai 2024 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước.

- Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2024.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đất đai.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai.

- Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024.

Ở đơn vị hành chính cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã quy định của Luật Đất đai 2024.

Các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai

Theo Điều 22 Luật Đất đai 2024 quy định cơ quan có chức năng quản lý đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã như sau:

- Hệ thống cơ quan có chức năng quản lý đất đai được tổ chức thống nhất ở trung ương và địa phương.

- Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở cấp tỉnh và ở cấp huyện.

- Tổ chức dịch vụ công về đất đai, bao gồm tổ chức đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức dịch vụ công khác được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

- Ủy ban nhân dân cấp xã có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008. Công chức làm công tác địa chính có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.

Xem thêm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ các quy định sau đây:

- Điều 190 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024,

- Việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 61/2022/QH15 hết hiệu lực.

Luật Đất đai 2013 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,389

Bài viết về

Luật Đất đai 2024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]