Thủ tướng chỉ thị yêu cầu tiếp tục tạo nguồn cải cách tiền lương

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
13/06/2023 14:17 PM

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg, trong đó có nội dung về dự toán nhà nước và đặc biệt là tiếp tục tạo nguồn cải cách tiền lương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị yêu cầu tiếp tục tạo nguồn cải cách tiền lương

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị yêu cầu tiếp tục tạo nguồn cải cách tiền lương (Hình từ internet)

Chính sách, nguồn cải cách tiền lương

Theo Tiểu mục 1 Mục I Nghị quyết 27-NQ/TW thì chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nội dung cải cách chính sách tiền lương toàn diện, bao gồm cả thang lương, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp, đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển.

 Tiểu mục 1 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW về quan điểm chỉ đạo đối về chính sách cải cánh tiền lương như sau:

- Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

- Cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.

- Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

- Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.

 Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

- Cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thủ tướng chỉ thị yêu cầu tiếp tục tạo nguồn cải cách tiền lương

Theo đoạn mở đầu Phần B Chỉ thị 21/CT-TTg đề ra nhiệm vụ xây dựng dự toán nhà nước 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2024-2026 và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả, nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 thì:

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện mục tiêu của các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 -2025 về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, vay, trả nợ công và đầu tư công trung hạn và cũng là năm tiếp theo của thời kỳ ổn định ngân sách 2023-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

 Theo đó, mục tiêu cho công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ( ngân sách nhà nước) năm 2024 và kế hoạch tài chính -  ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026 là: Xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

Căn cứ Tiểu mục 2 Mục I Phần B Chỉ thị 21/CT-TTG chỉ thị về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 liên quan đến tạo nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương như sau:

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo cácNghị quyết 27-NQ/TWNghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII).

-Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù:

+ Thực hiện Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 69/2022/QH15  của Quốc hội về dự toán  ngân sách nhà nước năm 2023, năm 2024 tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

+ Căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15, Quyết định 30/2021/QĐ-TTgChỉ thị 21/CT-TTg về nâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các cơ quan, đơn vị này báo cáo cụ thể tiến độ, nội dung trình các cấp thẩm quyền về các giải pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW;

+ Báo cáo số tiết kiệm chi thường xuyên trong các năm 2021-2023; đánh giá đầy đủ nguồn thu - nhiệm vụ chi trong năm hiện hành và dự kiến năm kế hoạch, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo các cấp thẩm quyền cùng thời điểm xây dựng dự toán  ngân sách nhà nước.

- Về dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, điều chỉnh lương hưu (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công: Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

 Theo Tiểu mục 4 Mục I Phần B Chỉ thị 21/CT-TTG chỉ thị về dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024 liên quan đến tạo nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương như sau:

Về dự toán chi cân đối ngân sách địa phương thì Ủy ban nhân dân các cấp chủ động xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương trên cơ sở nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tại các địa phương, số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương xác định bằng số được giao năm 2023 (nếu có), số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng (phần còn thiếu giữa nhu cầu kinh phí thực hiện cho cả 12 tháng năm 2024 sau khi đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo quy định của địa phương).

Ngoài ra, theo Tiểu mục 3 Mục II phần C Chỉ thị 21/CT-TTG về tổ chức thực hiện nhiệm vụ được đề ra chỉ thị Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị quyết 28-NQ/TW và Kết luận 20-KL/TW, phù hợp với điều kiện thực tế, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan báo cáo khả năng cân đối nguồn thực hiện.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,163

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]