Phân chia cấp độ phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự 2023

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
20/07/2023 11:47 AM

Xin hỏi theo Luật Phòng thủ dân sự 2023 vừa thông qua thì phân chia cấp độ phòng thủ dân sự được quy định thế nào? - Hữu Di (Tuyên Quang)

Phân chia cấp độ phòng thủ dân sự

Phân chia cấp độ phòng thủ dân sự (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Phân chia cấp độ phòng thủ dân sự

Theo Điều 7 Luật Phòng thủ dân sự 2023 (có hiệu lực 01/7/2024) quy định về cấp độ phòng thủ dân sự như sau:

- Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

- Căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự bao gồm:

+ Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa;

+ Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa;

+ Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;

+ Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.

- Cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:

+ Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;

+ Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;

+ Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự

Căn cứ Điều 20 Luật Phòng thủ dân sự 2023 (có hiệu lực 01/7/2024) quy định về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự như sau:

- Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Phòng thủ dân sự 2023, thẩm quyền, ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2 trên địa bàn quản lý;

+ Thủ tướng Chính phủ ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3.

- Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Phòng thủ dân sự 2023.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự

Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Phòng thủ dân sự 2023 (có hiệu lực 01/7/2024) về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự bao gồm:

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành, sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép.

- Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự.

- Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân.

- Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa.

- Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự.

- Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có.

- Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích.

- Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,071

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]