Áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người nợ thuế trên 90 ngày

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/08/2023 15:30 PM

Xin hỏi nợ thuế trên 90 ngày sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế phải không? Trường hợp nào không tính là chậm nộp thuế? - Hoàng Oanh (Đồng Nai)

Áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người nợ thuế trên 90 ngày (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người nợ thuế trên 90 ngày

Tại Công văn 3658/TCT-QLN năm 2023 Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế như sau:

Tổng cục Thuế thông báo danh sách chi tiết người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/7/2023 trên địa bàn Cục Thuế quản lý (danh sách người nộp thuế gửi qua địa chỉ email của Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế). Đối với danh sách này, Cục Thuế các địa phương triển khai rà soát và thực hiện:

- Đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày: thực hiện ngay các biện pháp (gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ) đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

- Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế: áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. 

Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.

Như vậy, trường hợp người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. 

Theo đó, Cục Thuế thực hiện công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.

2. Trường hợp nào không tính là chậm nộp thuế?

Căn cứ khoản 5 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định không tính tiền chậm nộp trong các trường hợp sau đây: 

- Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán thì không phải nộp tiền chậm nộp.

Số tiền nợ thuế không tính chậm nộp là tổng số tiền thuế còn nợ ngân sách nhà nước của người nộp thuế nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán;

- Các trường hợp quy định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp; hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì không tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định; trong thời gian chưa có giá chính thức; trong thời gian chưa xác định được khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan.

3. Xác định ngày đã nộp thuế

- Trường hợp nộp tiền thuế không bằng tiền mặt, ngày đã nộp thuế là ngày Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, tổ chức dịch vụ trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế hoặc người nộp thay và được ghi nhận trên chứng từ nộp tiền thuế.

- Trường hợp nộp tiền thuế trực tiếp bằng tiền mặt, ngày đã nộp thuế là ngày Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý thuế hoặc tổ chức được ủy nhiệm thu thuế cấp chứng từ thu tiền thuế.

(Điều 58 Luật Quản lý thuế năm 2019)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,708

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]