Giải đáp đề xuất của giáo viên về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ làm việc

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
19/09/2023 17:23 PM

Những đề xuất của giáo viên về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ làm việc, định mức giáo viên/lớp được Bộ Giáo dục trả lời thế nào?

Giải đáp đề xuất của giáo viên về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ làm việc

Giải đáp đề xuất của giáo viên về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (Hình từ internet)

Giải đáp đề xuất của giáo viên về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ làm việc

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổng hợp đề xuất của giáo viên về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ làm việc, định mức giáo viên/lớp và nội dung trả lời.

Đề xuất: Tại các trường liên cấp nhiều giáo viên phải dạy cả hai cấp học khác nhau. Trong khi đó, mỗi cấp học lại có định mức tiết dạy khác nhau. Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể định mức tiết dạy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy liên cấp.

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong thời gian qua, các địa phương đã và đang thực hiện việc đổi mới, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục các cấp, trong đó có việc sắp xếp các trường phổ thông quy mô nhỏ trên cùng địa bàn thành trường phổ thông liên cấp.

Trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, địa phương gặp khó khăn trong việc xác định chế độ làm việc của giáo viên giảng dạy, giáo dục trong các trường phổ thông liên cấp do các quy định hiện hành chưa cụ thể đối với trường hợp này.

Nắm bắt được khó khăn của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông theo định hướng đổi mới cơ chế quản lý nhân sự trong các cơ sở giáo dục phổ thông” để làm căn cứ cho định hướng điều chỉnh quy định về chế độ làm việc của giáo viên các cấp (trong đó có quy định về chế độ làm việc của giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông liên cấp).

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá ảnh hưởng, tác động của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến chế độ làm việc và hoạt động nghề nghiệp của giáo viên để làm căn cứ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp từng loại hình trường phổ thông.

Đề xuất: Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường Tiểu học/THCS dạy 2 buổi/ngày, số tiết học tăng so với Chương trình trước đây; ngoài ra, có một số môn học mới bắt buộc như Ngoại ngữ, Tin học.

Tuy nhiên, định mức giáo viên/lớp theo quy định hiện nay (kể cả đã thực hiện tối đa) thì vẫn chưa phù hợp.

Kính mong Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo quy định lại định mức GV/ lớp đảm bảo tính khoa học, đúng thực tiễn hiện nay, đồng thời bố trí đủ biên chế phục vụ dạy học.

Trả lời:

Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đã có nhiều thay đổi với yêu cầu cao hơn để phù hợp với xu thế phát triển, đòi hỏi giáo viên thường xuyên cập nhật chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên phải sáng tạo hơn, vai trò của giáo viên chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh để phát triển phẩm chất, năng lực của người học và có một số môn học mới, bắt buộc.

Triển khai thực hiện Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với điều kiện các vùng miền và chương trình giáo dục phổ thông 2018 (thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT). Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của địa phương để đề xuất bổ sung biên chế giáo viên đến năm 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề xuất: Vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với giáo viên mầm non chưa tương xứng với giáo viên phổ thông với giáo viên phổ thông, đề nghị có chính sách phù hợp.

Trả lời:

Hiện tại, Chính phủ quy định 01 bảng lương chung cho tất cả viên chức các ngành, lĩnh vực (Bảng 3 – Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang).

Theo đó, hệ số lương của viên chức loại A0 được áp dụng đối với các viên chức có yêu cầu trình độ cao đẳng; hệ số lương của viên chức loại A1 được áp dụng đối với các viên chức có yêu cầu trình độ đại học.

Căn cứ vào yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì:

- Giáo viên mầm non hạng III (là hạng khởi điểm, với yêu cầu trình độ cao đẳng) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89);

- Giáo viên phổ thông hạng III (là hạng khởi điểm, với yêu cầu trình độ đại học) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Về cơ bản bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng III và giáo viên phổ thông hạng III không có khác biệt nhiều. Tuy nhiên, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng II và giáo viên phổ thông hạng II thì có sự chênh lệch tương đối:

- Giáo viên mầm non hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98);

- Giáo viên phổ thông hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2.2 (từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38).

Nhưng để giáo viên phổ thông có thể được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên CDNN giáo viên phổ thông hạng II thì phải có đủ từ 9 năm giữ hạng III và tương đương;

còn giáo viên mầm non chỉ cần có đủ từ 3 năm giữ hạng III và tương đương (mặc dù Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định phải đủ từ 9 năm). Đây chính là chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với giáo viên mầm non với những đặc thù nghề nghiệp mà giáo viên đã nêu tại nội dung góp ý.

Thời gian tới, khi Chính phủ thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương (theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018) thì Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quancủa kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương…

Đề xuất: Như quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong khi đó, Ngành ta lại không thể quyết định về tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cũng như quyết định về tiền lương và phụ cấp để đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn

bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành giáo viên. Xin Bộ trưởng cho biết sắp tới Ngành có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này.

Trả lời:

Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác.

Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: được hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bảng lương ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tính chất mức độ phức tạp của công việc.

Trong đó, đã đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất nhằm cải thiện một phần thu nhập của giáo viên Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, kỳ vọng, những chính sách về tiền lương, phụ cấp, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên sẽ được quy định trong Luật Nhà giáo.

Đề xuất: Hiện nay, thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác, các tiến sỹ trẻ bỏ nghề, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với mức lương cao hơn… các giải pháp nâng cao thu nhập cho đội ngũ để các thầy cô yên tâm nghiên cứu, giảng dạy?

Trả lời:

Hiện nay giảng viên trong các cơ sở GDĐH công lập được hưởng các chế độ, chính sách lương theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể:

- Giảng viên cao cấp (hạng I): Bảng lương A3, gồm 6 bậc từ 6,20 đến 8,00

- Giảng viên chính (hạng II): Bảng lương A2 (nhóm 2.1), gồm 8 bậc từ 4,40 đến 8,00

- Giảng viên, Trợ giảng (hạng III): Bảng lương A1, gồm 9 bậc từ 2,34 đến 4,98

Ngoài lương được hưởng theo quy định trên, giảng viên còn được hưởng thêm 2 loại phụ cấp đó là: Phụ cấp ưu đãi với các mức từ 25% đến 45% (quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTgNghị định 61/2006/NĐ-CP) và phụ cấp thâm niên được tính gia tăng theo thời gian công tác (quy định tại Nghị định 77/2021/NĐ-CP).

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo (có các chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập: giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên; đối với giảng viên dạy trường sư phạm, khoa sư phạm được hưởng mức phụ cấp ưu đãi cao hơn), … điều đó đã góp đã phần nâng cao đời sống của nhà giáo.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập của giảng viên trẻ nói chung vẫn còn thấp; thực tế lương nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được mong đợi theo với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết TW 2 khóa VIII và Nghị  quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; hơn nữa, lương nhà giáo cũng chưa thực sự đảm bảo được đời sống so với biến động về giá hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Với chính sách lương như hiện hành khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến tình trạng chất lượng công việc có phần bị hạn chế. Chưa góp phần thu hút, giữ chân người tài vào ngành sư phạm.

Thực tế có rất nhiều người tâm huyết với nghề dạy học, thậm chí mong muốn đóng góp công việc chung của đất nước, tuy nhiên, với mức lương như hiện nay khiến họ chưa yên tâm công hiến cho Ngành Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ:“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Một trong các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 29 là: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. ... Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định củaChính phủ (Điều 76)”.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14). Theo đó, có nhiều nhóm chính sách mở rộng nâng cao quyền tự chủ đại học, trong đó phải kể đến chính sách lớn nhất là Mở rộng phạm vi và

nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống. Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH để phát huy nội lực, sự năng động, sáng tạo và tính chịu trách nhiệm… để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Quyền tự chủ được đề cập đến toàn diện về chuyên môn, học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự, tự chủ đi liền với trách nhiệm giải trình…

 - Đối với các trường đã thực hiện tự chủ: Cơ chế tự chủ đối với khu vực hành chính sự nghiệp nói chung và đối với cơ sở GDĐH nói riêng đã liên tục được đổi mới về cơ bản theo hướng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Hiện nay, việc thực hiện chính sách tiền lương đối với giảng viên các cơ sở GDĐH được giao tự chủ về cơ bản đã cao hơn mức quy định của nhà nước.

- Đối với các trường chưa thực hiện tự chủ: Nguồn kinh phí để chi trả phụ thuộc nhiều từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên nói riêng và nhà giáo nói chung là rất quan trọng. Thực hiện đổi mới chính sách tiền lương, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên chuyên tâm với nghề. Trong cơ chế thị trường hiện nay, chính sách sử dụng đội ngũ GV có hiệu quả bao hàm nhiều yếu tố, nhưng tiền lương, tiền công là yếu tố hàng đầu, có tính quyết định và phải bảo đảm thu nhập đủ mức thực hiện tái sản xuất sức lao động thường xuyên tái sản xuất mở rộng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan xây dựng chính sách tiền lương mới cho đội ngũ nhà giáo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và đề xuất mức lương mới tương xứng với tính chất mức độ phức tạp của nhiệm vụ được giao gửi Bộ Nội vụ để trình Chính phủ.

Đề xuất: Chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học đặc thù (chế độ đãi ngộ của GV ngành Y, mong muốn Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự thống nhất trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, các tiêu chuẩn, quy định dành cho giảng viên để đảm bảo quyền lợi cho người làm, người học)

Trả lời:

Việc phân hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giảng viên nói chung được căn cứ quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn. Hoạt động giảng dạy của giảng viên trong cơ sở GDĐH có vai trò quan trọng, liên quan đến chuyên môn học thuật cao.

Hiện tại, đối với ngành Y, các bằng bác sĩ/dược sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 đang là bằng chức danh trong hệ thống khám chữa bệnh của y tế, chưa có văn bản xác định các bằng này thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và xếp trình độ tương đương thạc sĩ hay tiến sĩ. Cán bộ có chức danh bác sĩ/dược sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 có kinh nghiệm được giảng dạy các học phần có thực hành, thực tập và tại các cơ sở thực hành theo Nghị định 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Tại thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có căn cứ pháp lý để bổ sung trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở GDĐH công lập đối với viên chức giảng dạy có bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2.

Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu bổ sung các quy định về trình độ đào tạo của CDNN viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập trong văn bản quy định tiêu chuẩn CDNN, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở GDĐH công lập khi có đủ các căn cứ pháp lý.

Đề xuất: Giảng viên, nhân viên các trường ngoài công lập đề nghị được hưởng thêm các chính sách như GVNV trường công lập.

Trả lời:

Ngày 24/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2013/NĐ-CP. Theo đó, các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài vận dụng quy định hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác đối với giảng viên trong các cơ sở GDĐH công lập để thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, bảo đảm không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của giảng viên trong các cơ sở GDĐH công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác.

Hiện nay, chế độ lương của nhà giáo và nhân viên các trường ngoài công lập đang được chi trả theo thỏa thuận và theo quy định về mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, nhà giáo và nhân viên các trường ngoài công lập cũng được tham gia công tác đào tạo và bồi dưỡng, xét tặng Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư như nhà giáo các trường công lập.

Trong thời gian tới, khi triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm trong việc xây dựng chính sách tiền lương, chính sách hỗ trợ nhà giáo, chính sách thu hút nhà giáo và tôn vinh nhà giáo.

Đề xuất: Bộ quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với đối với khối nhân viên hành chính phục vụ trong môi trường giáo dục.

Trả lời:

Ngoài các chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức giảng dạy trong các cơ sở GDĐH công lập, các CDNN khác (bao gồm cả khối viên chức hành chính phục vụ), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Bộ Nội vụ áp dụng theo các văn bản của các bộ chuyên ngành (thư viện, y tế, khoa học công nghệ, …). Một số viên chức được hưởng phụ cấp như các viên chức trong các ngành, lĩnh vực khác: Viên chức thư viện trường học, y tế trường học được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, viên chức kế toán, ....

Có thể nói, viên chức hành chính trong cơ sở giáo dục hiện nay đang được hưởng chế độ chính sách đầy đủ như viên chức trong các ngành, lĩnh vực khác và được chuẩn hóa bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như các viên chức khác.

Đồng thời, đội ngũ này cũng được quan tâm, chú ý bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh việc đảm bảo các chế độ về tiền lương, khen thưởng theo quy định, Bộ GDĐT tiếp tục nghiên cứu có những đề xuất về chính sách để động viên lực lượng lao động này thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,330

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]