Kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/01/2024 12:15 PM

Tôi muốn biết Kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân sẽ có những nội dung trọng tâm nào? – Minh Anh (Tây Ninh)

Kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân

Kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 28/12/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 551/QĐ-TANDTC-TĐKT về Kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân.

Kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân

Theo đó, Kế hoạch thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2024 trong Tòa án nhân dân sẽ có 06 nội dung trọng tâm như sau:

(1) Phổ biến, quán triệt các văn bản về công tác thi đua khen thưởng; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về công tác thi đua khen thưởng, như: Chỉ thị 34-CT/TW năm 2014, Chỉ thị 07/CT-TTg năm 2014 và các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về công tác thi đua khen thưởng.

Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tư tưởng “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ, đạo đức, kỷ luật của đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong việc tham mưu cho cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; động viên đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

(2) Phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua, đăng ký thi đua

- Chủ động xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua trong năm 2024; tích cực nghiên cứu cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý”, theo chủ đề truyền thống “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, bảo đảm thực chất, sáng tạo, gắn với phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, của Tòa án nhân dân.

Chú trọng tổ chức các phong trào thi đua theo đợt hoặc chuyên đề, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước và Tòa án nhân dân trong năm 2024, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo công chức, viên chức, người lao động, mục tiêu hướng tới hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu thi đua đề ra.

Nội dung phong trào thi đua phải bám sát và cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2024, các nhiệm vụ cải cách tư pháp, các giải pháp đột phá, trong đó chú trọng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chỉ tiêu công tác Tòa án năm 2024.

- Tổ chức ký kết giao ước thi đua, đăng ký thi đua; đánh giá các giải pháp, sáng kiến trong công tác theo đúng quy định. Xây dựng mô hình và gương điển hình tiên tiến để bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng trong Tòa án nhân dân và toàn xã hội.

(3) Hoàn thiện thể chế và kiện toàn đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng

- Tăng cường xây dựng các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng trong Tòa án nhân dân bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định mới của pháp luật về thi đua, khen thưởng và đặc thù hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, rõ ràng, gắn với nhiệm vụ và kết quả công tác chuyên môn, các hoạt động phong trào, hoạt động chính trị-xã hội của Tòa án nhân dân.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng tinh gọn, ổn định, chuyên môn hóa; bố trí cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực phù hợp để chuyên trách tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, nhất là ở Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, giải đáp các vướng mắc cho đội ngũ công chức làm công tác thi đua khen thưởng của các Tòa án, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.

(4) Hoạt động của các cụm thi đua

Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức cụm thi đua và phân bổ “Cờ thi đua” trong Tòa án nhân dân. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua của các cụm thi đua; thường xuyên tiến hành các hoạt động trao đổi kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua giữa các cụm thi đua; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng trong cụm thi đua; tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động xã hội-từ thiện, các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, việc xây dựng các gương điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay...; đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua tại cụm thi đua.

(5) Công tác tuyên truyền, xây dựng các điển hình tiên tiến

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng gắn với lịch sử Tòa án nhân dân, biểu dương gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực... bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tích cực tổ chức các Hội thi “Thẩm phán giỏi”, “Thư ký giỏi”, các hội thi về chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức vinh danh, trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đúng Quy chế của Tòa án nhân dân tối cao, tạo không khí thi đua sôi nổi và sức lan tỏa trong hệ thống Tòa án nhân dân và trong xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ đột phá trong công tác thi đua, khen thưởng.

(6) Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua khen thưởng

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên rà soát, sửa đổi các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, tích cực nghiên cứu đổi mới Trang tin Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân bảo đảm thiết thực, hiệu quả;

Cập nhật đầy đủ thông tin, văn bản liên quan đến khen thưởng vào phần mềm quản lý công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân, phần mềm “Hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử ngành thi đua, khen thưởng” của Bộ Nội vụ, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, giao, nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng, công tác quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ các mục đích công tác khác. Việc lưu trữ hồ sơ khen thưởng của Tòa án nhân dân thực hiện đồng thời hai hình thức: lưu trữ hồ sơ giấy và hồ sơ văn bản điện tử.

Tổ chức tập huấn, giải đáp kịp thời những vướng mắc, bất cập về công tác thi đua, khen thưởng, gắn với các hội thảo, hội nghị phù hợp.

Xem thêm tại Quyết định 551/QĐ-TANDTC-TĐKT có hiệu lực từ ngày 28/12/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 947

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]