Chậm, hủy chuyến bay: Trường hợp nào người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
01/04/2024 14:15 PM

Cho tôi hỏi, khi chậm, hủy chuyến bay thì trường hợp nào người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ? – Mai Anh (Phú Thọ)

Chậm, hủy chuyến bay: Trường hợp nào người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ?

Chậm, hủy chuyến bay: Trường hợp nào người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ? (Hình từ internet)

Bên cạnh việc dần hồi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa thì tình trạng nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến lại có xu hướng tăng gây ra bức xúc cho hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.

Trường hợp nào người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ?

Theo Điều 2 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT, thuật ngữ “Bồi thường ứng trước không hoàn lại” được hiểu là việc bồi thường bằng tiền hoặc bằng các hình thức phù hợp khác mà người vận chuyển phải trả cho hành khách trong các trường hợp theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào việc xác định mức thiệt hại thực tế của hành khách.

Điều 6 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT, quy định người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì một trong các lý do sau đây:

- Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay.

- Nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay.

- Chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Do những vấn đề về y tế của hành khách (bị ốm nặng hoặc chết sau khi đã lên tàu bay).

- Tàu bay theo lịch dự kiến để khai thác chuyến bay bị phá hoại hoặc đội tàu bay bị phá hoại.

- Do xung đột vũ trang, mất ổn định chính trị, đình công làm ảnh hưởng đến chuyến bay.

- Trong trường hợp kết cấu hạ tầng hàng không, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay không đảm bảo cho việc thực hiện chuyến bay.

- Sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình khai thác tàu bay, tính từ thời điểm người chỉ huy tàu bay ký tiếp nhận tàu bay sẵn sàng thực hiện chuyến bay cho đến khi kết thúc chuyến bay.

- Hành khách được bố trí hành trình tới điểm đến theo kế hoạch bằng chuyến bay khác với thời gian đến không quá 4 giờ so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay đã được xác nhận chỗ.

- Hành khách được bố trí tới điểm đến của hành trình với thời gian đến không quá 6 giờ so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay nối chuyến trong trường hợp điểm đến theo kế hoạch của chuyến bay là điểm nối chuyến trong hành trình của hành khách.

- Các trường hợp bất khả kháng khác.

Mức bồi thường

(1) Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa như sau:

- Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 200.000 VNĐ;

- Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 300.000 VNĐ;

- Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 400.000 VNĐ.

(2) Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế như sau:

- Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD;

- Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD;

- Chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD;

- Chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

(3) Người vận chuyển có thể quy định mức bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng không được thấp hơn mức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT.

(4) Trường hợp một chuyến bay bị chậm kéo dài sau đó bị hủy thì việc bồi thường ứng trước không hoàn lại chỉ áp dụng 01 lần.

(Điều 8 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 27/2017/TT-BGTVT)

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 266

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]