Rà soát, nghiên cứu sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
11/04/2024 09:57 AM

Cho tôi hỏi đã có đề xuất về việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán chưa? - Yến Trang (Cần Thơ)

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Hình từ Internet)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1035/NQ-UBTVQH15 ngày 08/4/2024 hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán 

Trong nhiệm vụ, giải pháp đối với lĩnh vực tài chính thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập 2011; sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong Luật Kế toán 2015Luật Quản lý thuế 2019. Nâng cao chất lượng thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài chính, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dịch vụ tài chính, cũng như trách nhiệm của các thành viên, hội viên, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Ngoài ra, một số nội dung khác trong nhiệm vụ, giải pháp đối với lĩnh vực tài chính mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu như sau:

- Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm. 

Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất là năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. 

Từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh xổ số; sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

- Tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; xây dựng, phát triển hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện đại, đội ngũ công chức hải quan các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai Hải quan số.

- Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi), nhất là quy định về Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, bảo đảm đồng bộ hệ thống văn bản khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. 

Tăng cường công tác quản lý giá, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác. Chủ động, kịp thời phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra. 

Tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. 

Đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm khả năng kết nối dữ liệu đến các Bộ, ngành, địa phương. Chủ động dự báo, có phương án bảo đảm cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải..., không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

- Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá; đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xem thêm Nghị quyết 1035/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 08/4/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 339

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]