Từ vụ 3 học sinh lớp 8 hiếp dâm trẻ em lớp 6: Những vấn đề pháp lý

22/02/2023 14:08 PM

Hiện nay, vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng nhiều, rung lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ. Hành vi đáng lên án nhất có lẽ là hành vi hiếp dâm trẻ em.

Từ vụ 3 học sinh lớp 8 hiếp dâm trẻ em lớp 6: Những vấn đề pháp lý

Từ vụ 3 học sinh lớp 8 hiếp dâm trẻ em lớp 6: Những vấn đề pháp lý (Hình từ Internet)

Vấn nạn “trẻ hóa” người phạm tội?

Ngày nay, vấn nạn “trẻ hóa” người phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Không ít trường hợp thanh, thiếu niên lợi dụng việc tuổi còn nhỏ, hằng ngày “phá làng, phá xóm”, ăn chơi lêu lổng, trộm cắp,…

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh cũng thường bao biện cho những hành động sai trái của con em mình bằng câu nói quen thuộc “con nít mà, nó có biết gì đâu” rồi coi như đó không phải lỗi của con mình và mình cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp con người tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng gần như hầu hết các nhu cầu của con người. Bên cạnh những mặt tích cực, cuộc cách mạng này cũng mang lại những tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em.

Ngày xưa, khi chưa tiếp xúc với công nghệ thông tin, trẻ em sinh hoạt với gia đình, vui chơi với bạn bè, tất cả phải thực hiện bằng việc tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp với nhau. Do đó, trẻ em lúc này rất hồn nhiên, hòa đồng, thân thiện với người.

Đến nay, việc tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ ngày một dễ dàng thì trẻ em rất dễ bị lôi cuốn, suốt ngày bị lệ thuộc vào chiếc điện thoại, máy tính bảng,… dẫn đến việc trẻ em lười vận động, hạn chế việc tiếp xúc với người khác.

Nghiêm trọng hơn trẻ em là đối tượng luôn muốn tìm hiểu những cái mới, chưa đủ kiến thức nên rất dễ bị tác động, xúi dục bởi các thông tin tiêu cực, đồi trụy trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể thấy, người phạm tội là người chưa thành niên ngày một nhiều, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Đáng chú ý tội phạm hiếp dâm-cưỡng dâm ở nhóm đối tượng này cũng đã xuất hiện, gây ra sự hoang mang cho những người làm cha, làm mẹ khi cho con đi học xa nhà, không thể bên con hằng ngày, đưa đón con đi học.

Vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc 03 học sinh lớp 8 hiếp dâm trẻ em lớp 6

Vụ việc 03 học sinh lớp 8 hiếp dâm học sinh lớp 6 đã làm dậy sóng dư luận trong thời gian qua, nhiều người vẫn cho rằng trẻ em phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy khung pháp lý dành cho hành vi này đối với 03 nam sinh này như thế nào?

Thứ nhất, cần xác định chính xác số tuổi của 03 nam sinh

03 nam sinh đang học lớp 8 thì có 02 trường hợp, một là đã đủ 14 tuổi, hai là chưa đủ 14 tuổi.

(1) Trường hợp người chưa đủ 14 tuổi thì chưa đủ tuổi để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng theo các Điều 90, 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).

(2) Trường hợp người đã đủ 14 tuổi, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu rơi vào các Điều quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017): “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Thứ hai, về hành vi của 03 nam sinh

Hiện vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra về hành vi của 03 nam sinh. Do đó, chưa thể kết luận hành vi xâm hại nữ sinh lớp 6 phạm tội gì.

Theo thông tin nhận được, có thể dự đoán 03 nam sinh này phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, truy cứu theo điểm b khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)

Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

b) Nhiều người hiếp một người.”

* Các yếu tố cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

- Mặt khách quan của tội phạm:

Nữ sinh lớp 6 thông thường là 12 tuổi. Do đó, hành vi hiếp dâm nữ sinh lớp 6 là “Hiếp dâm người chưa đủ 13 tuổi” thì hành vi hiếp dâm được xác định chỉ cần có hành vi giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác là cấu thành, dù người dưới 13 tuổi có đồng ý hay không đồng ý.

Theo hướng dẫn tại khoản 1,2 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

+ Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

+ Hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp này 03 nam sinh nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi mà mình gây ra, nhận thấy trước được khả năng hoặc tất nhiên sẽ xảy ra hậu quả xấu do chính hành vi phạm tội đó gây ra và mong muốn hoặc không muốn nhưng vẫn có ý thức rằng hậu quả xấu đó xảy ra.

- Mặt khách thể của tội phạm: Hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người nữ sinh lớp 6, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

- Mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là 03 nam sinh, phải từ đủ 14 tuổi trở lên, có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Thứ ba, các quy định đặc biệt khi truy cứu trách nhiệm hình sự với 03 nam sinh

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội (khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự). Do đó, cũng có các quy định đặc biệt khi xử lý đối tượng này.

1. Giảm mức phạt tù

Nếu 03 nam sinh đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với tình tiết nhiều người hiếp một người, thì mức cao nhất của khung hình phạt là “phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” được phân loại vào tội đặc biệt nghiêm trọng (theo điểm d khoản 1 Điều 9 BLHS 2015 (sửa đổi 2017)).

Căn cứ khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 thì quy định “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”

2. Thủ tục tố tụng giải quyết vụ án

Khi giải quyết vụ án có người dưới 18 tuổi, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện theo các quy định tại Chương XXVIII (Điều 413 đến Điều 430) Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như: cơ quan tiến hành tố tụng phải được đào tạo, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; phải có người bào chữa để bảo vệ khi tham gia tố tụng;…

Ranh giới giữa “pháp lý và tình người”.

Khi được hỏi “nếu cho bạn xử lý 03 nam sinh này, bạn sẽ xử lý như thế nào?” thì khó để có một câu trả lời thống nhất. Bởi có người cho rằng nên xử nghiêm minh mới mang tính răn đe, đảm bảo trật tự xã hội, có người lại cho quan điểm khác như: Mới là học sinh lớp 8 tuổi còn rất nhỏ, nếu phải ngồi tù thì quá tàn nhẫn, vì sẽ phải trải qua cả thanh xuân trong tù…

Trong thực tế xét xử, mỗi tòa cũng có những quan điểm khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo quy định pháp luật, vẫn phải xét xử có lợi nhất đối với người phạm tội là trẻ em.

Vậy có nên phân biệt rạch ròi ranh giới giữa “pháp lý” và “tình người” trong trường hợp này? Xã hội luôn vận hành không ngừng, con người cũng theo đó mà phát triển. Việc thực thi pháp luật góp phần cân bằng xã hội, đưa con người đến việc thụ hưởng những giá trị tốt đẹp.

Nếu để ý thì trong các văn bản pháp luật, ngoài các chế định mang tính quản lý nhà nước thì các quy định bảo vệ lợi ích con người luôn song song tồn tại.

Ví dụ như trong pháp luật hình sự, ngoài các quy định xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi cũng đã có các quy định để giảm nhẹ trách nhiệm, thủ tục giải quyết phù hợp với lứa tuổi.

Do đó, ranh giới giữa pháp lý và tình người rất khó phân định. Hãy tin tưởng vào cơ quan được trao quyền giải quyết, hãy sống tích cực và luôn có ý thức thượng tôn pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thành Huân

Eleven Law Firm – Công Ty Luật TNHH Mười Một

  • Luật sư Nguyễn Thành Huân
  • Bài viết được tư vấn bởi
    Luật sư Nguyễn Thành Huân
    Xem thêm thông tin về luật sư tại đây
    285/74 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh 285/74 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh
    285/74 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh 0979800000

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,743

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]