Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021/BXD)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
10/11/2023 10:29 AM

Xin hỏi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021/BXD) được ban hành kèm theo văn bản nào và quy định về điều kiện sinh hoạt cho người lao động tại công trường như thế nào? - Hoàng Huy (Hà Tĩnh)

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021/BXD) được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD để quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021/BXD)

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18:2021/BXD) (Hình từ internet)

QCVN 18:2021/BXD áp dụng đối với các hoạt động xây dựng nào?

QCVN 18:2021/BXD áp dụng đối với các hoạt động xây dựng sau:

- Các loại công việc thi công xây dựng liên quan đến đào, đắp đất đá, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, bảo trì công trình xây dựng, tháo dỡ, phá dỡ đối với:

+ Nhà, kết cấu dạng nhà;

+ Công trình hoặc kết cấu khác, bao gồm: Cầu, đường, hầm; cột, trụ, tháp; bể chứa, silô; tường chắn, đê, đập, kè; kết cấu dạng đường ống và các dạng kết cấu khác được sử dụng cho mục đích dân dụng, sản xuất công nghiệp, cung cấp các tiện ích hạ tầng kỹ thuật, phục vụ giao thông vận tải, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, sử dụng để bảo vệ trước các tác động cực đoan của thiên nhiên, làm các kết cấu tạm phục vụ thi công và các mục đích khác.

- Sản xuất, chế tạo, lắp đặt và tháo dỡ các cấu kiện, kết cấu tiền chế ở công trường.

- Các hoạt động xây dựng khác, bao gồm: Khảo sát, quan trắc; thiết kế, thẩm tra thiết kế; lập và kiểm tra kế hoạch tổng hợp về an toàn có liên quan đến các công việc quy định nêu trên.

QCVN 18:2021/BXD không áp dụng cho thi công lắp đặt giàn khoan dầu khí và các kết cấu khác sử dụng cho ngành dầu khí ở biển và thềm lục địa.

QCVN 18:2021/BXD áp dụng với các đối tượng nào?

QCVN 18:2021/BXD áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động xây dựng được nêu ở trên trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy định về điều kiện sinh hoạt cho người lao động tại công trường tại QCVN 18:2021/BXD

(1) Quy định chung

- Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các tiện ích để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cần thiết của người lao động trên công trường, bao gồm: Nhà (khu) ăn, chỗ ở tạm, khu thay đồ, khu vệ sinh, khu tắm, giặt và những tiện ích khác theo các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

CHÚ THÍCH 1: Các yêu cầu cụ thể về quy mô của các tiện ích và chế độ phúc lợi (kể cả các trang thiết bị kèm theo) tại nơi làm việc thực hiện theo Thông tư 19/2016/TT-BYT.

CHÚ THÍCH 2: Nhà vệ sinh thực hiện theo quy định của QCVN 07-9:2016/BXD, QCVN 01:2011/BYT.

- Nước uống phải được cung cấp đầy đủ và bố trí ở các vị trí thuận tiện, đảm bảo vệ sinh trên công trường. Chất lượng nước phải đảm bảo quy định tại điểm (2).

- Tại vị trí hợp lý trong công trường, người sử dụng lao động phải bố trí các tiện ích và đảm bảo giữ sạch sẽ các tiện ích sau đây (tùy thuộc vào số lượng người lao động và thời gian làm việc):

+ Khu vệ sinh riêng biệt cho nam, nữ;

+ Khu (phòng) thay đồ có có tủ quần áo và máy sấy quần áo (nếu có thể);

+ Chỗ nghỉ tạm trong thời gian phải ngừng công việc do điều kiện thời tiết bất lợi.

(2) Nước ăn, uống

- Nước ăn, uống ở công trường phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của QCVN 01-1:2018/BYT. Trong trường hợp tại công trường không có sẵn nguồn cấp nước đảm bảo yêu cầu, người sử dụng lao động phải có biện pháp xử lý nước (như trang bị hệ thống lọc, xử lý nước), nước sau xử lý phải được xét nghiệm và chỉ được sử dụng nếu đảm bảo yêu cầu.

- Người sử dụng lao động phải cung cấp các phương tiện chứa nước ăn, uống phù hợp, phân công người chịu trách nhiệm quản lý và phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Cung cấp đủ lượng nước uống tối thiểu là 1,5 lít/người/ca làm việc theo quy định;

+ Nước uống chỉ được phép chứa trong các bình, thùng kín và có vòi cấp;

+ Việc vận chuyển nước ăn, uống ở công trường phải đảm bảo vệ sinh theo quy định;

+ Các phương tiện chứa, vận chuyển nước ăn, uống ở công trường phải được làm sạch và khử trùng định kỳ căn cứ vào điều kiện sử dụng, môi trường và theo chỉ dẫn của nhà sản xuất;

+ Phải có cách thức thông tin, thông báo phù hợp để người lao động không nhầm lẫn giữa nước ăn, uống và nước không dùng để ăn, uống.

- Không được phép đấu nối chung hệ thống cấp nước ăn, uống với hệ thống cấp nước không dùng để ăn, uống.

- Không được phép sử dụng các phương tiện chứa nước ăn, uống (như thùng, bình, chai, lọ) để chứa các chất lỏng độc hại nhằm tránh nhầm lẫn.

(3) Nhà vệ sinh

- Nhà vệ sinh phải thông thoáng hoặc được thông gió đầy đủ;

- Phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, định kỳ sát khuẩn, khử trùng; phải bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị vệ sinh theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, phù hợp với tình trạng thực tế của các trang thiết bị và số lượng người sử dụng.

(4) Khu tắm, giặt, làm sạch

- Không được sử dụng khu tắm, giặt, làm sạch cho các mục đích khác. Khi người lao động tiếp xúc trực tiếp với chất có hại cho da như các chất, hóa chất nguy hiểm, chất gây nhiễm trùng, chất gây dị ứng, dầu, mỡ hoặc bụi thì phải bố trí khu vực làm sạch riêng biệt với khu tắm, giặt chung.

- Phải bố trí số lượng trang thiết bị phục vụ cho việc tắm, giặt, làm sạch phù hợp với yêu cầu sử dụng.

- Phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, định kỳ sát khuẩn, khử trùng; phải bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, phù hợp với tình trạng thực tế của các trang thiết bị và số lượng người sử dụng.

(5) Khu thay đồ

- Khu (phòng) thay đồ phải bố trí ở những nơi dễ tiếp cận và không được sử dụng cho mục đích khác.

- Khu (phòng) thay đồ phải được trang bị các phương tiện, thiết bị phù hợp để sấy khô quần áo ẩm, ướt và để treo quần áo. Khi cần thiết, phải bố trí các tủ có khóa để chứa riêng quần áo bảo hộ, quần áo để mặc bình thường.

- Phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, định kỳ sát khuẩn, khử trùng; phải bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, phù hợp với tình trạng thực tế của các trang thiết bị và số lượng người sử dụng.

(6) Phục vụ ăn, uống

Người sử dụng lao động phải bố trí khu ăn, uống đảm bảo vệ sinh, ở địa điểm phù hợp với đặc điểm công trường; sắp xếp thời gian hợp lý, phù hợp với số lượng người cần phục vụ.

(7) Nơi lánh nạn

- Để ĐBAT cho người lao động trong trường hợp có sự cố hoặc thiên tai, người sử dụng lao động phải có kế hoạch bố trí nơi (khu vực) lánh nạn an toàn ở công trường hoặc ở vị trí gần công trường.

- Nơi (khu vực) lánh nạn phải có đủ các tiện ích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cần thiết, kể cả trong trường hợp cần phải lưu trú trong thời gian dài.

(8) Chỗ ở tạm

- Người sử dụng lao động phải bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong các trường hợp sau:

+ Công trường ở nơi không có sẵn chỗ ở;

+ Người lao động ở cách xa công trường hoặc ở nơi không có sẵn phương tiện giao thông, đi lại.

- Chỗ ở tạm cho người lao động phải an toàn, có đủ các tiện ích vệ sinh, tắm, giặt, làm sạch và chỗ ngủ riêng theo giới tính.

CHÚ THÍCH: Phải khảo sát khu vực dự kiến bố trí chỗ ở tạm và xung quanh để tránh các nguy cơ do sụt, lở đất đá, lũ, lụt, cây hoặc các vật thể đổ vào. Đặc biệt, phải chú ý đến các khu vực ở trong rừng, khu vực ở dưới hoặc trên đồi, núi, mái đất đá dốc, mặt dốc, khu vực gần sông, hồ, biển.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,090

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]