Thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
14/02/2024 16:04 PM

Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã gồm những gì? Thời hạn quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã là bao nhiêu? – Như Thủy (Bình Phước)

Thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã

Thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã được hướng dẫn tại Quyết định 1096/QĐ-BNV năm 2023 như sau:

1. Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã

* Thành phần hồ sơ:

- Đối với đơn vị hành chính cấp xã có tổ chức Hội đồng nhân dân:

+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã;

+ Báo cáo thuyết minh đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính;

+ Bảng thống kê số liệu tiêu chuẩn làm cơ sở xác định các tiêu chuẩn;

+ Bản đồ xác định vị trí đơn vị hành chính được phân loại;

+ Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận về tiêu chuẩn của yếu tố đặc thù.

- Đối với đơn vị hành chính cấp xã không tổ chức Hội đồng nhân dân:

+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã:

+ Báo cáo thuyết minh đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính;

+ Bảng thống kê số liệu tiêu chuẩn làm cơ sở xác định các tiêu chuẩn;

+ Bản đồ xác định vị trí đơn vị hành chính được phân loại;

+ Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận về tiêu chuẩn của yếu tố đặc thù.

* Cách thức nộp hồ sơ:

Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc qua đường bưu điện; gửi hồ sơ theo Văn bản điện tử về Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Trình tự phân loại đơn vị hành chính cấp xã

- Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp mình, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, thông qua gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với đơn vị hành chính cấp xã không tổ chức Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp mình trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Bước 2: Phòng Nội vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp xã; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Bước 3: Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Nội vụ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã.

- Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi đến, Giám đốc Sở Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, chủ trì tổ chức thẩm định, chủ trì tổ chức khảo sát để phục vụ việc thẩm định. (Trường hợp cần thiết Sở Nội vụ thành lập Hội đồng thẩm định chung về phân loại ĐVHC cấp xã).

- Bước 5: Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định.

- Bước 6: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Nội vụ.

3. Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính xã

Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính xã được quy định tại Điều 14 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 như sau:

(i) Quy mô dân số:

- (i.1) Xã từ 3.500 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 3.500 người thì cứ thêm 100 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 35 điểm;

- (i.2) Xã miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại (i.1);

- (i.3) Xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định tại (i.1).

(ii) Diện tích tự nhiên từ 10 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 10 km2 thì cứ thêm 0,5 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.

(iii) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội:

- (iii.1) Tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương được tính 10 điểm.

Trường hợp chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương, nếu số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 30% trở xuống được tính 3 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;

- (iii.2) Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới được tính 20 điểm.

Trường hợp xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nếu đạt được tiêu chí nào trong hệ thống các tiêu chí quy định chuẩn nông thôn mới thì mỗi tiêu chí được tính 1 điểm nhưng tổng số điểm các tiêu chí tối đa không quá 15 điểm;

- Xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định tại (iii.1), (iii.2).

(iv) Các yếu tố đặc thù:

- Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 1 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;

- Xã đặc biệt khó khăn được tính 1 điểm;

- Xã an toàn khu được tính 1 điểm;

- Có di tích quốc gia đặc biệt hoặc có di sản được UNESCO công nhận được tính 1 điểm.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 619

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]