Trách nhiệm người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/03/2024 13:26 PM

Cho tôi hỏi hiện nay người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ có những trách nhiệm gì theo quy định của pháp luật? - Trường Giang (Bình Định)

Trách nhiệm người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người thi hành công vụ là ai?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án. 

2. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

- Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Trách nhiệm người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ

Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi thi hành công vụ như sau:

-  Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải:

+ Có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

+ Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành;

+ Nghiêm túc, hòa nhã trong thực hiện công vụ.

- Người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) hoặc vi phạm quy định khác của pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 309

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]