1. Phương pháp mới tính phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Từ ngày 13/06/2016, việc thu, nộp, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản sẽ thực hiện theo Thông tư 66/2016/TT-BTC và áp dụng từ kỳ kê khai, nộp phí tháng 5/2016.
Theo đó, phương pháp tính phí BVMT mới được xác định không chỉ căn cứ trên số lượng khai thác khoáng sản trong kỳ và mức phí theo từng loại khoáng sản nữa; mà, còn phụ thuộc bởi:
Số lượng đất đá bốc xúc thải ra từ hoạt động khai thác trong kỳ nộp phí và hệ số tính phí theo từng phương pháp khai thác khoáng sản (như lộ thiên, hầm lò, hay các phương pháp khác).
- Trước ngày 31/3 hằng năm, cơ quan thu phí BVMT sẽ có trách nhiệm công khai số phí BVMT trong khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tư 66/2016/TT-BTC cũng quy định chi tiết việc phân cấp quản lý sử dụng phí BVMT cũng như trách nhiệm của các cơ quan địa phương.
2. Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi
Từ ngày 15/6/2016, mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải chăn nuôi ra nguồn tiếp nhận nước thải sẽ phải tuân thủ QCVN 62-MT:2016/BTNMT ban hành theo Thông tư 04/2016/TT-BTNMT .
Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Theo đó:
- Các cơ sở chăn nuôi (CSCN) có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh.
- CSCN có tổng lượng nước thải từ 2 m3/ngày đến dưới 5 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas hoặc đệm lót sinh học phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia.
3. Quy định về sử dụng tiền lời từ đầu tư quỹ bảo hiểm
Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 16/6/2016.
Theo đó, quy định số tiền sinh lời thu được hằng năm của hoạt động đầu tư theo Nghị định này được sử dụng như sau:
- Trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo nguyên tắc:
+ Mức trích quỹ dự phòng rủi ro hàng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư cho đến khi số dư quỹ dự phòng rủi ro bằng 5% số dư nợ đầu tư vào các hình thức theo quy định.
+ Được sử dụng để bù đắp cho số tiền đầu tư bị rủi ro.
+ Quỹ này trong thời gian chưa sử dụng, được sử dụng đầu tư vào các hình thức theo quy định.
- Phần còn lại phân bổ vào các quỹ theo tỷ lệ số dư bình quân của từng quỹ trên tổng số dư của các quỹ trong năm bao gồm: quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
4. Thay đổi điều kiện tổ chức dịch vụ kiểm tra thiết bị X quang chẩn đoán y tế
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 06/2016/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 20/6/2016.
Theo đó, bãi bỏ nội dung liên quan đến cấp giấy phép dịch vụ an toàn bức xạ quy định tại Quyết định 32/2007/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2007.
Như vậy, các tổ chức muốn hoạt động dịch vụ kiểm tra thiết bị X quang dùng trong chẩn đoán y tế sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép dịch vụ an toàn bức xạ như hiện nay.