1. Công chức không được kéo dài thời gian giải quyết TTHC
Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) có hiệu lực từ ngày 21/6/2018.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông không được:
- Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết TTHC hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật;
- Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC;
- Trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Bộ phận Một cửa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi;
- Ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở…
2. Các trường hợp thuốc cổ truyền bị thu hồi được tái xuất
Thông tư 13/2018/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 30/6/2018) quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền.
Theo đó, thuốc cổ truyền bị thu hồi được phép khắc phục hoặc tái xuất trong trường hợp vi phạm mức độ 3 và không thuộc các trường hợp:
- Thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 1 hoặc 2;
- Thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 không thể khắc phục được sau khi Bộ Y tế xem xét theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Thông tư này;
- Thuốc cổ truyền bị thu hồi do vi phạm mức độ 3 được phép khắc phục hoặc tái xuất nhưng không thực hiện được việc khắc phục, tái xuất.
Việc xác định các mức độ vi phạm 1, 2, 3 được ban hành tại Phụ lục II Thông tư này.
3. Mức phạt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Đây là quy định mới tại Nghị định 64/2018/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 22/6/2018) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Theo đó:
- Phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS);
- Phạt từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng:
+ Vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn dưới 100.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng;
- Từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến mức truy cứu TNHS nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có một trong các quyết định:
+ Không khởi tố vụ án hình sự (VAHS);
+ Hủy bỏ quyết định khởi tố VAHS;
+ Đình chỉ điều tra;
+ Đình chỉ vụ án.
4. Giảm một số lệ phí thú y, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm
Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 44/2018/TT-BTC sửa đổi quy định về phí, lệ phí trong công tác thú y; phí thẩm định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể:
- Lệ phí cấp GCN kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu: 40.000 đồng/lần (quy định hiện hành là 70.000 đồng/lần)
- Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y chỉ còn 50.000 đồng/lần; (hiện là 100.000 đồng/lần)
- Phí thẩm định cấp GCN thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại doanh nghiệp còn 200.000 đồng/lô hàng; (hiện là 350.000 đồng/lô hàng)
Tham khảo chi tiết tại Thông tư 44/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/6/2018.
5. Thông tư 43/2018/TT-BTC hướng dẫn chi tiết về thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong TTHS có hiệu lực ngày 25/6/2018.