1. Cách xác định chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng
Đây là nội dung tại Thông tư 14/2021/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng
Cụ thể, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng xác định như sau:
- Đối với các công việc tư vấn đã được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư ban hành định mức xây dựng thì chi phí thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các công việc tư vấn như:
Quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì; khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa, thí nghiệm phục vụ công tác tư vấn bảo trì công trình và một số công việc tư vấn khác đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Đối với các công việc tư vấn sau đây thì xác định bằng lập dự toán:
+ Lập, thẩm tra quy trình bảo trì công trình (trường hợp chưa có quy trình bảo trì) hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng;
+ Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì;
+ Kiểm tra công trình đột xuất theo yêu cầu;
+ Đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình vận hành, sử dụng và các công việc tư vấn áp dụng định mức đã được quy định nhưng không phù hợp.
- Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình thì:
Chi phí tư vấn phục vụ sửa chữa xác định trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình.
Thông tư 14/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/11/2021 và thay thế Thông tư 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017.
2. Thêm quyền lợi cho giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012.
Trong đó, quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:
- Người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.
- Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
(Trước đây chỉ quy định được tính giờ nghiên cứu khoa học).
- Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.
(Bổ sung trường hợp nghiên cứu khoa học đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước).
3. Nguyên tắc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa
Có hiệu lực từ ngày 01/11/2021, Thông tư 14/2021/TT-BYT quy định nguyên tắc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa như sau:
- Nguyên tắc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa
+ Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa (hạng III) phải căn cứ vào vị trí việc làm viên chức đang đảm nhiệm và nhiệm vụ được giao.
+ Khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa (hạng III) không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
- Bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa
+ Chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa hạng III quy định tại Thông tư 14/2021:
Được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004; được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
+ Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa quy định tại Thông tư 14/2021:
Được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật.
4. Hướng dẫn về thuế TNDN với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu
Từ ngày 01/11/2021, Thông tư 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014, có hiệu lực thi hành.
Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN như sau:
(1) Cơ sở được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho thời gian còn lại theo quy định về thuế TNDN kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ bao gồm:
+ Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.
+ Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013.
+ Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.
(2) Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế TNDN còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế TNDN phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.
- Cơ sở trên nếu có thuế TNDN phát sinh tại mục (2) thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền TNDN tạm thời chưa truy thu cho đến 01/11/2021.
Từ ngày 02/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế TNDN tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).