1. Cấp mới, cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT từ ngày 01/8/2017
Ngày 08/8/2017, BHXH Việt Nam ban hành Công văn 3340/BHXH-ST hướng dẫn về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH; theo đó, có một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Sổ BHXH, thẻ BHYT được cấp mới, cấp lại theo mẫu mới từ ngày 01/8/2017.
- Thay thế cụm từ “Số sổ:” in trên bìa, tờ rời của sổ BHXH và từ “Số:” trên thẻ BHYT bằng cụm từ “Mã số:”.
- Thời hạn sử dụng thẻ BHYT: chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày…/…/…”.
- Sổ BHXH và thẻ BHYT đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được đổi, cấp lại.
2. Cách tính phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo
Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Điều 12 Nghị định 113/2015/NĐ-CP như sau:
Tiền phụ cấp = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong 01 năm/12 tháng) x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.
Ngoài ra, Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/9/2017) cũng hướng dẫn thêm cách tính phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi với nhà giáo chuyên trách và không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật.
3. Nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục năm học 2017- 2018
Ngày 08/8/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị 2699/CT-BGDĐT quy định nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành giáo dục.
Theo đó, đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu của ngành, đơn cử như sau:
- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
- Đổi mới chương trình giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
- Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
- Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo…
4. Quy định mới về hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp bị tuyên phá sản
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 79/2017/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2017) về sửa đổi, bổ sung tiết b1 Điểm b Khoản 4 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
Theo đó, hồ sơ xóa nợ tiền thuế đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo quy định mới sẽ bao gồm:
- Văn bản đề nghị xoá nợ tiền thuế của cơ quan thuế quản lý trực tiếp (theo mẫu số 01/XOANO ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013);
- Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án;
- Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được hoặc không thu hồi được;
- Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự.
Các tài liệu trên có thể là bản chính hoặc bản sao y bản chính.