1. Thẻ ATM công nghệ từ vẫn được hỗ trợ sau ngày 31/12/2021
Ngày 30/11/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Công văn 8458/NHNN-TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chíp nội địa.
Theo đó, văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (còn thời hạn sử dụng) do các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam phát hành.
Đồng thời, không có quy định về việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp truyền thông để khách hàng nắm được thông tin sau:
Thẻ từ nội địa đang còn hạn sử dụng chưa chuyển đổi sang thẻ chíp thì sau ngày 31/12/2021 vẫn có thể sử dụng thẻ từ để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, kênh internet banking, mobile banking, quầy giao dịch.
2. Cá nhân có doanh thu cho thuê tài sản dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
- Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
- Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.
Hiện hành Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì:
Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng).
Thông tư 100/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
3. Ngân hàng được phát hành thẻ bằng phương thức điện tử
Đó là nội dung tại Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Để thực hiện nội dung trên, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm tối thiểu các bước như sau:
- Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ theo quy định;
- Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;
- Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử;
- Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành, sử dụng thẻ và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành, sử dụng thẻ với khách hàng đảm bảo quy định về pháp luật giao dịch điện tử;
- Thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng và các điều cấm theo quy định khi sử dụng thẻ cho khách hàng.
Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
4. Sửa quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại
Từ ngày 01/12/2021, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi 2021 bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đã bỏ trường hợp áp dụng đối với khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).
Để thống nhất với nội dung trên, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi 2021 cũng sửa đổi quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự (Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) đối với:
Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự 2015 mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Như vậy, theo quy định hiện hành, những tội phạm chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là các tội được quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 Bộ luật Hình sự 2015.