1. Thu hồi điện thoại di động cũ từ 01/07/2016Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định
16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Theo đó, gia hạn thời điểm thu hồi, xử lý đối với thiết bị điện tử, điện tử cũ như máy quay phim, máy chụp ảnh, máy điện thoại di động, máy tính bảng, ti vi, tủ lạnh... đến 01/7/2016.
Đồng thời, giữ nguyên thời điểm thu hồi các sản phẩm thải bỏ là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại như Quyết định
50/2013/QĐ-TTg (sẽ thu hồi từ 01/01/2018).
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/07/2015.
2. Trình độ ngoại ngữ khi dạy và học để cấp bằng nước ngoàiTheo Nghị định
48/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì điều kiện về ngoại ngữ giảng dạy và học tập chương trình liên kết đào tạo để cấp văn bằng nước ngoài như sau:
- Đối với nhà giáo giảng dạy: phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình nhưng không thấp hơn bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (trình độ C1) hoặc tương đương.
- Đối với người vào học: ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (trình độ B1) hoặc tương đương.
Cơ sở đào tạo có thể đào tạo cho người học đạt trình độ này trước khi dạy chính khóa.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2015.
3. Hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hộiNgày 22/5/2015, BHXH Việt Nam ban hành Công văn
1856/BHXH-CSXH hướng dẫn một số nội dung về thực hiện chế độ BHXH.
Theo đó, hướng dẫn cụ thể các nội dung sau:
- Bổ sung phụ cấp thâm niên nghề để tính lương hưu đối với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995.
- Tính thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ các chức danh theo Nghị định
09/1998/NĐ-CP .
- Phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu theo Luật BHXH.
4. Những văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lýBộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên trong các trường hợp sau:
- Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi; văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có);
- Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính;
- Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh;
- Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ;
- Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (bao gồm hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có), hợp đồng thuê đất và các văn bản khác liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên);
- Các trường hợp đặc biệt khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung trên được đề cập tại Nghị định
51/2015/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15/07/2015.
5. Thay đổi thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từTheo Thông tư liên tịch
64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP , đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sử dụng hoặc sở hữu của cơ sở đó thì việc xuất trình hóa đơn, chứng từ được thực hiện như sau:
- Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình bản sao hóa đơn, chứng từ có đóng dấu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu.
- Trong thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản chính chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Trường hợp cuối thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra nếu trùng vào thời gian nghỉ theo quy định thì việc xuất trình hồ sơ được thực hiện vào thời gian làm việc tiếp theo thời gian nghỉ và cơ quan kiểm tra phải ghi rõ thời gian, địa điểm yêu cầu xuất trình vào biên bản.
- Tại thời điểm kiểm tra, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ để có căn cứ xác định tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu thì cơ quan kiểm tra hàng hóa tiến hành tạm giữ để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 và thay thế Thông tư liên tịch
60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA .
6. Đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đìnhNhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện BHYT cho hộ gia đình nên ngày 29/05 vừa qua Bộ Y tế ban hành Công văn
3638/BYT-BH đề nghị BHXH Việt Nam:
- Không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên hộ gia đình.
-Tuyên truyền, giải thích quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình để người tham gia BHYT hiểu về lợi ích và quy định pháp luật về BHYT.
- Nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu BHYT theo hướng cá nhân, cơ quan nào dễ tiếp cận với người dân nhất đều có thể làm đại lý thu BHYT.
- Triển khai kịp thời quy định về hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã lập danh sách tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 2, Điều 19 Thông tư liên tịch
41/2014/TTLT-BYT-BTC .
- Tổ chức thu đóng, cấp phát thẻ BHYT theo đúng quy định pháp luật về giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT.
7. Định mức chi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015Ngày 29/05/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn
2584/BGDĐT-KHTC hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển và kinh phí hổ trợ từ NSNN cho kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đó, mức chi tối đa cho công tác tổ chức kỳ thi như sau:
- Chi nhập xử lý dữ liệu kỳ thi ban đầu và xử lý kết quả thi: 4.000 đồng/thí sinh.
- Chi công tác thư ký, văn phòng phẩm cho kỳ thi: 25.000 đồng/thí sinh/đợt thi.
- Chi nước uống, thuốc y tế cho thí sinh tham gia kỳ thi: 3.000 đồng/thí sinh/đợt thi.
- Chi hỗ trợ xăng xe cho cán bộ và phục vụ kỳ thi: 50.000 đồng/người/ngày.
- Chi chấm bài thi: 18.000 đồng/bài (Bài thi tự luận); 4.000 đồng/bài (Bài thi trắc nghiệm) bao gồm cả máy móc, thiết bị chấm thi trắc nghiệm.
Ngoài ra, Công văn quy định mức chi các nội dung khác như nước uống cho Hội đồng thi; hỗ trợ điện nước, dọn dẹp phòng thi; phụ cấp trách nhiệm đối với Ban coi thi, Ban chấm thi, Hội đồng chấm thi…