1. Quy định mới về vốn đầu tư ra nước ngoàiNgày 25/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định
83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, có một số nội dung mới nổi bật như sau:
Vốn đầu tư ra nước ngoài thể hiện dưới các hình thức:
- Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
- Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam.
- Máy móc, thiết bị; vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá thành phẩm, hàng hoá bán thành phẩm.
- Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
- Các tài sản hợp pháp khác.
Đồng thời quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài; dự án không thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định
83/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định
78/2006/NĐ-CP .
2. Tăng mức trần học phí đại học từ năm học 2015-2016Đây là nội dung tại Nghị định
86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Cụ thể, mức trần học phí trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (kể cả với các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:
- Nhóm ngành KHXH, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản:
+ Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 1.750.000 đồng/tháng.
+Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 1.850.000 đồng/tháng.
+ Năm học 2020-2021: 2.050.000 đồng/tháng.
- Nhóm ngành KHTN, kỹ thuật, công nghệ, thể dục, thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch:
+ Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 2.050.000 đồng/tháng.
+ Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 2.200.000 đồng/tháng.
+ Năm học 2020-2021: 2.400.000 đồng/tháng.
- Nhóm ngành Y dược:
+Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 4.400.000 đồng/tháng.
+Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 4.600.000 đồng/tháng.
+ Năm học 2020-2021: 5.050.000 đồng/tháng.
Nghị định
86/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
3. Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nướcChính phủ ban hành Nghị định
87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN), giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN nhà nước.
Theo đó, nội dung giám sát đối với DN nhà nước bao gồm:
- Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn.
- Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN.
- Giám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
- Giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN; ban hành và thực hiện quy chế quản lý tài chính của DN.
- Giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN, cơ cấu lại vốn của DN đầu tư tại công ty con, công ty liên kết.
- Giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý DN, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của DN theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nghị định
87/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015 và áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi.
4. Đã có quy định phạt chậm đóng kinh phí công đoànQuy định này được đề cập tại Nghị định
88/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định
95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ) tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có một trong các hành vi sau:
- Chậm đóng KPCĐ.
- Đóng KPCĐ không đúng mức quy định.
- Đóng KPCĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
Trường hợp NSDLĐ không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, NSDLĐ phải nộp toàn bộ số tiền chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và tiền lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Nghị định
88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015.
5. Phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS công lậpTừ ngày 03/11/2015, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở (THCS) công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch
22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV .
Theo đó, chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS trong các trường THCS công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
- Giáo viên THCS hạng I - Mã số: V.07.04.10.
- Giáo viên THCS hạng II - Mã số: V.07.04.11.
- Giáo viên THCS hạng III - Mã số: V.07.04.12.
Các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quy định về bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp nêu trên được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch này.
Thông tư liên tịch
22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên THCS trong các trường THCS công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các trường THCS ngoài công lập có thể vận dụng quy định này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên THCS.
6. Thay đổi thời hạn cấp văn bằng, chứng chỉViệc quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ thực hiện theo Quy chế mới tại Thông tư
19/2015/TT-BGDĐT .
Theo đó, thời hạn cấp văn bằng, chứng chỉ thay đổi so với quy định cũ, cụ thể như sau:
- Đối với bằng tốt nghiệp THCS, THPT: 75 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp. (Trước đây là 60 ngày kể từ ngày xét tốt nghiệp THCS, thi tốt nghiệp THPT)
- Đối với bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ: 30 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và quyết định công nhận học vị tiến sĩ.
(Trước đây thời hạn này được tính từ ngày thi tốt nghiệp, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận văn thạc sĩ, bảo vệ luận án tiến sĩ)
Thông tư
19/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/10/2015.
7. Giải đáp một số quy định của Bộ luật Lao độngĐó là nội dung tại Công văn
3945/LĐTBXH-LĐTL do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành vào ngày 30/9/2015.
Cụ thể, thời gian làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLĐ) được hướng dẫn như sau:
Là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định pháp luật và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.
Trong đó:
- Thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ bao gồm cả thời gian NLĐ nghỉ hưởng chế độ theo Luật bảo hiểm xã hội.
- Thời gian NLĐ đã tham gia BHTN gồm: thời gian NSDLĐ đã đóng BHTN và thời gian NSDLĐ đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Công văn
3945/LĐTBXH-LĐTL cũng giải đáp một số quy định khác như:
- Về tham gia BHTN đối với thời gian thử việc.
- Về việc chi trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ.
- Về tiền lương tính trả tiền làm thêm giờ, tiền nghỉ lễ, tiền nghỉ phép.