1. Cấm bay từ 03 – 12 tháng với hành khách gây rối
Nội dung này được quy định tại Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không. Cụ thể:
Cấm vận chuyển có thời hạn từ 03 đến 12 tháng đối với các đối tượng sau:
- Hành khách gây rối.
- Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
- Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay.
- Cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng.
- Sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay.
- Có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay.
Nghị định 92/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/11/2015, thay thế Nghị định 81/2010/NĐ-CP và Nghị định 51/2012/NĐ-CP .
2. Áp dụng mẫu sổ BHXH mới từ ngày 01/01/2016
Từ ngày 01/01/2016, sẽ áp dụng mẫu sổ BHXH mới theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH quy định về mẫu sổ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo đó, nội dung các tiêu thức quản lý người tham gia BHXH có một số điểm mới như sau:
- Phải ghi quốc tịch của người tham gia.
- Về trường hợp ghi Số Chứng minh nhân dân: Trường hợp người tham gia vừa có chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.
- Sổ BHXH mới không cần các thông tin về Hộ khẩu thường trú; tên đơn vị và địa chỉ nơi đóng BHXH.
Các quy định về phôi sổ, màu sắc sổ, kích thước, chất liệu giấy của sổ BHXH năm 2016 không thay đổi nhiều so với trước.
Sổ BHXH đã cấp theo mẫu quy định tại các Quyết định 1443/LĐTBXH, Quyết định 3339/QĐ-BHXH và Quyết định 1518/QĐ-BHXH tiếp tục được sử dụng để giải quyết các chế độ BHXH.
Quyết định 1035/QĐ-BHXH thay thế Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2011; Quyết định 3339/QĐ-BHXH năm 2008.
3. Hướng dẫn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke
Thông tư 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke có hiệu lực từ ngày 04/12/2015.
Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke phải trang bị phương tiện PCCC, bao gồm:
- Phương tiện chữa cháy.
- Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà.
Các phương tiện PCCC theo quy định được bố trí cạnh lối ra, vào, trên chiếu nghỉ buồng thang, ở sảnh, hành lang hoặc những nơi dễ thấy, dễ sử dụng.
Riêng hệ thống chuông báo cháy hoặc hệ thống phát thanh báo cháy được trang bị tới từng phòng của cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Phương tiện PCCC được kiểm tra chất lượng theo định kỳ cho từng loại.
Ngoài ra, Thông tư 47/2015/TT-BCA cũng quy định chi tiết về thiết kế PCCC và các biện pháp phòng cháy đối với các cơ sở này.
4. Hướng dẫn chi tiết đối tượng chịu thuế tài nguyên
Thông tư 152/2015/TT-BTC được ban hành đã hướng dẫn chi tiết hơn đối tượng chịu thuế tài nguyên là nước thiên nhiên và yến sào thiên nhiên. Cụ thể:
- Nước thiên nhiên gồm: nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy.
Nước biển làm mát máy phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn, điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Trường hợp sử dụng nước biển mà gây ô nhiễm, không đạt các tiêu chuẩn về môi trường thì xử lý theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
- Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.
Yến sào do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Thông tư 152/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/11/2015.
5. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận lương y
Bộ Y tế ban hành Thông tư 29/2015/TT-BYT quy định về cấp, cấp lại Giấy chứng nhận (GCN) lương y.
Theo đó, GCN lương y có giá trị vĩnh viễn. Để được cấp GCN lương y, cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp GCN lương y theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này.
- Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn, nơi cư trú (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ).
- 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ).
- 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận.
Ngoài ra, tùy từng đối tượng, người đề nghị cấp GCN lương y cần chuẩn bị thêm các giấy tờ yêu cầu khác.
Thông tư 29/2015/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2015.
GCN lương y, GCN người đủ trình độ chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bằng y học cổ truyền được cấp theo các Thông tư trước ngày Thông tư 29/2015/TT-BYT có hiệu lực vẫn có giá trị cấp chứng chỉ hành nghề KCB bằng y học cổ truyền theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
6. Thêm chế độ đối với phạm nhân là người nước ngoài
Đó là quy định tại Nghị định 90/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2011/NĐ-CP về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Theo đó, từ ngày 27/11/2015, bên cạnh các chế độ dành cho phạm nhân là người nước ngoài theo Nghị định 117/2011/NĐ-CP, bổ sung chế độ được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định về chế độ nghỉ lao động đối với phạm nhân, cụ thể như sau:
- Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng, được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, tết theo Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động 2012.
- Thời gian lao động và học tập, học nghề không quá 08 giờ trong 01 ngày. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ có thể làm thêm nhưng không quá 02 giờ trong 01 ngày.
- Trường hợp làm thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.
Xem chi tiết tại Nghị định 90/2015/NĐ-CP .
7. Hướng dẫn thủ tục cấp, đổi Thẻ nhà báo
Ngày 31/12/2015, Thẻ nhà báo giai đoạn 2011-2015 sẽ hết hiệu lực sử dụng, do đó Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Công văn 3262/BTTTT-CBC hướng dẫn thủ tục cấp, đổi Thẻ nhà báo giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, hồ sơ cấp, đổi Thẻ nhà báo giai đoạn 2016 – 2020 gồm có:
- Bản khai của người đề nghị cấp, đổi Thẻ nhà báo do người đề nghị cấp Thẻ Nhà báo thực hiện việc kê khai theo mẫu quy định tại Thông tư 07/2007/TT-BVHTT, được người đứng đầu cơ quan báo chí ký duyệt, đóng dấu của cơ quan báo chí.
- Bản sao Thẻ nhà báo đã được cấp giai đoạn 2011 – 2015 có chứng thực của cơ quan báo chí.
- Bản tổng hợp danh sách đề nghị cấp, đổi Thẻ nhà báo của cơ quan báo chí có chữ ký, đóng dấu xác nhận của: Người đứng đầu cơ quan báo chí, đại diện cơ quan chủ quản, đại diện cấp Hội Nhà báo, đại diện Sở Thông tin Truyền thông (đối với cơ quan báo chí địa phương).
- Bản sao Giấy phép hoạt động báo chí có chứng thực của cơ quan báo chí.
Kèm theo Công văn 3262/BTTTT-CBC là Bản khai đề nghị cấp, đổi Thẻ nhà báo; Bản tổng hợp danh sách đề nghị cấp, đổi Thẻ nhà báo.