1. Thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài Theo Nghị định
99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 thì thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài được quy định như sau:
- Tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cấp cho tổ chức đó.
Khi hết hạn sở hữu nhà ở ghi trong GCN, nếu chủ sở hữu (CSH) có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo Điều 77 Nghị định này.
Nếu GCNĐKĐT không ghi thời hạn thì trong GCN cấp cho CSH cũng được ghi không thời hạn.
- Nếu tổ chức nước ngoài bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi GCNĐKĐT hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì xử lý theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
Nếu trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định pháp luật thì tổ chức này được sở hữu nhà ở lâu dài.
Xem thêm tại Nghị định
99/2015/NĐ-CP .
2. Hình thức lựa chọn nhà thầu khai thác dầu khí Chính phủ ban hành Nghị định
95/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dầu khí.
Theo đó, các hình thức lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí bao gồm:
- Đấu thầu rộng rãi: được áp dụng trên nguyên tắc cạnh tranh quốc tế và không qua bước sơ tuyển.
Mọi tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này đều được tham gia dự thầu.
- Chào thầu cạnh tranh: được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí không nằm trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt và có tối thiểu 02 tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này quan tâm và đề xuất ký hợp đồng dầu khí.
- Chỉ định thầu: được áp dụng khi Thủ tướng Chính phủ quyết định trong các trường hợp sau:
+ Lô dầu khí chỉ có một tổ chức, cá nhân hoặc liên danh nhà thầu dầu khí có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này quan tâm và đề xuất ký hợp đồng dầu khí.
+ Trường hợp đặc biệt liên quan đến chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo.
Nghị định
95/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
3. Chính sách cho người lao động trong doanh nghiệp quốc phòng Theo Nghị định
93/2015/NĐ-CP quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì chế độ, chính sách cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp này như sau:
- Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan được tính phù hợp với quy định pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công theo quy định pháp luật về người có công.
Người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định pháp luật về lao động.
- Nhà nước hỗ trợ trả lương cho số lượng người lao động tối thiểu cần phải duy trì để vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.
Nghị định
93/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015 và thay thế Nghị định
104/2010/NĐ-CP .
4. Quy định mới về cấp hộ chiếu Từ ngày 01/12/2015, theo Nghị định
94/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định
136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về việc cấp hộ chiếu có một số thay đổi.
Cụ thể như sau:
- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm thì được gia hạn một lần (trước đây là 6 tháng).
- Bổ sung đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao:
+ Tổng kiểm toán, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước.
+ Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.
- Bổ sung cơ quan có thẩm quyền cử những người thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
+ Các cơ quan khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập.
+ Các hội có công chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cử sang giữ chức vụ chủ chốt theo hình thức luân chuyển.
+ Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Nghị định
94/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định
65/2012/NĐ-CP .
5. Quy định về kiêm nhiệm với Giám đốc doanh nghiệp nhà nướcChính phủ ban hành Nghị định
97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, việc kiêm nhiệm đối với chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc đối với công ty trách hữu hạn một thành viên nhà nước được quy định như sau:
- Người được bổ nhiệm giữ chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc không là cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh quản lý thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác (đối với cán bộ, công chức) hoặc phải chấm dứt hợp đồng làm việc (đối với viên chức).
- Không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp khác.
Nghị định
97/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2015.
6. DNNN không được góp vốn đầu tư bất động sảnĐó là quy định tại Nghị định
91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của DN để đầu tư ra ngoài nhưng phải đảm bảo:
- Tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
- Không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản).
- Không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng.
Nếu DNNN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng cho phép đầu tư thì phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.
Nghị định
91/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định
71/2013/NĐ-CP và Nghị định
09/2009/NĐ-CP .
7. Tăng mức trần học phí đại học từ năm học 2015-2016 Đây là nội dung tại Nghị định
86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Cụ thể, mức trần học phí trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (kể cả với các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:
(i) Nhóm ngành KHXH, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản:
- Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 1.750.000 đồng/tháng.
- Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 1.850.000 đồng/tháng.
- Năm học 2020-2021: 2.050.000 đồng/tháng.
(ii) Nhóm ngành KHTN, kỹ thuật, công nghệ, thể dục, thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch:
- Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 2.050.000 đồng/tháng.
- Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 2.200.000 đồng/tháng.
- Năm học 2020-2021: 2.400.000 đồng/tháng.
(iii) Nhóm ngành Y dược:
- Từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 4.400.000 đồng/tháng.
- Từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 4.600.000 đồng/tháng.
- Năm học 2020-2021: 5.050.000 đồng/tháng.
Nghị định
86/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
>> Xem phần tiếp theo tại đây