1. 03 trường hợp được nộp bổ sung C/O
Ngày 14/9/2016, Bộ Tài chính ban hành Công văn 12802/BTC-TCHQ hướng dẫn về thời điểm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải nộp C/O tại thời điểm nộp hồ sơ hải quan hoặc thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, chỉ được phép nộp bổ sung trong những trường hợp sau:
- Tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, với mã HS khai báo, thuế MFN thấp hơn hoặc bằng thuế suất ưu đãi đặc biệt (ƯĐĐB) nhưng sau khi thông quan, xác định được thuế suất MFN cao hơn thuế suất ƯĐĐB;
- Tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hàng hóa thuộc đối tượng theo diện ưu đãi đầu tư được miễn thuế nhập khẩu nhưng sau khi thông quan, xác định hàng hóa không thuộc diện ưu đãi đầu tư;
- Tại thời điểm làm thủ tục hải quan mà không có bản chính C/O thì phải thông báo ngay và nộp trong vòng 01 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan (áp dụng riêng với trường hợp C/O mẫu VK (KV)).
2. Hướng dẫn xác minh điều kiện thi hành án
Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án (THA) dân sự có hiệu lực từ ngày 30/9/2016.
Theo đó, căn cứ xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản sẽ thông qua:
- Hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hoặc
- Chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng; hoặc
- Người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản.
Ngoài ra, với trường hợp đình chỉ THA do người được THA chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được THA.
3. Xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu lấy nước sinh hoạt
Ngày 09/9/2016, Bộ TN&MT ban hành Thông tư 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Theo đó, việc xác định vùng bảo hộ được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước;
- Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt;
- Phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.
Thông tư 24/2016/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 25/10/2016.
4. Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động
Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động (NLĐ).
Theo đó, hoạt động quản lý vệ sinh lao động tại cơ sở bao gồm các nội dung sau:
- Lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao động;
- Quan trắc môi trường lao động;
- Khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp;
- Kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe;
- Vệ sinh phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc;
- Bảo đảm đáp ứng yêu cầu về công trình vệ sinh, phúc lợi tại nơi làm việc quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động tại nơi làm việc và bảo đảm trang thiết bị sơ cứu, cấp cứu.
Thông tư 19/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/8/2016.