1. Chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất muối
Ngày 05/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2017/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh muối – đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh cụ thể cho ngành sản xuất này.
Trong các vấn đề được quy định tại Nghị định, điểm đáng chú ý nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối; Cụ thể:
- Các tổ chức, cá nhân có thể được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh muối của mình.
- Được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong hai năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba, mức vay tối đa 100% giá trị khi đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất muối.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước; Theo đó:
Các Dự án đầu tư nhà máy sản xuất muối công nghiệp thuộc nhóm A, B đã được liệt kê cụ thể trong Danh mục dự án sẽ được vay vốn đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam mà không phân biệt địa bàn đầu tư.
Hy vọng rằng, với chính sách hỗ trợ tín dụng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất muối truyền thống và sản xuất muối công nghiệp có cơ hội duy trì, gia tăng giá trị và cạnh tranh quốc tế.
Nghị định 40/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5/2017 và Nghị định 32/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2017.
2. Tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản
Từ ngày 20/5/2017, Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ có hiệu lực và thay thế cho Nghị định 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định 39 có hiệu lực thì:
- Các cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại có trách nhiệm thực hiện công bố hợp quy về điều kiện cơ sở sản xuất, gia công theo quy định tại Điều 24 của Nghị định.
- Các cơ sở sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại có trách nhiệm thực hiện việc công bố lại tên thương mại của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản trái với quy định tại Khoản 2.b Điều 12 của Nghị định.
Thêm vào đó, Nghị định 41/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5/2017 này.
Tuy không có thay đổi về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (vẫn là phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng);
Nhưng, mức phạt này sẽ được áp dụng với mỗi chất cấm bị phát hiện sử dụng; thay vì áp dụng cho từng lần phát hiện hành vi vi phạm như hiện nay.
3. Tăng mức xử phạt xả nước thải trái phép vào nguồn nước
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, thay thế cho Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng thay vì từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng như hiện nay đối với các hành vi vi phạm sau:
- Xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép.
- Xả nước thải vào nguồn nước không đúng chế độ, phương thức quy định trong giấy phép.
Một điểm mới đáng chú ý nữa, đối với hành vi không chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước sẽ bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng.
Nghị định 33/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5/2017.