1. Tiêu chuẩn để được làm đấu giá viên
So với quy định hiện hành (Điều 5 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010), thì Luật đấu giá tài sản 2016 đề ra tiêu chuẩn để trở thành đấu giá viên một cách cụ thể và chặt chẽ hơn.
Theo đó, để được làm đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng (quy định hiện hành tại Nghị định 17 là tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế).
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá theo quy định, cụ thể như sau:
+ Người có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá và thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng.
+ Miễn đào tạo nghề đấu giá đối với người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
2. 05 nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 đã dành riêng một Điều luật (Điều 95) để quy định cụ thể về các nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam. Cụ thể như sau:
- Phải được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
- Phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa quốc gia tàu mang cờ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam qua đường ngoại giao trước khi tàu đến Việt Nam.
- Chương trình hoạt động của tàu và các thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận; trường hợp có sự thay đổi, phát sinh phải được phép của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
- Khi tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển phải thực hiện các quy định sau đây:
+ Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo Quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ.
(Không áp dụng quy định này đối với trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia tàu mang cờ)
+ Bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu.
+ Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản.
+ Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam.
+ Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký.
+ Đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang quy định.
- Nếu tàu muốn di chuyển từ cảng biển này sang cảng biển khác của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.