8. Bộ Luật tố tụng hình sự 2015
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 dành một Chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân, theo đó:
- Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu TNHS được thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân.
- Bốn biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân gồm:
+ Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
+ Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội;
+ Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động liên quan đến hành vi phạm tội;
+ Buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án.
- Tòa án có thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân là tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm, hoặc nơi pháp nhân có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh.
Đồng thời, Bộ luật này thay đổi quy định “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi” như quy định của Luật trẻ em, nêu cụ thể 7 nguyên tắc tiến hành tố tụng với các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Luật này cũng nêu cụ thể khái niệm về đầu thú và tự thú trong tội phạm hình sự.
9. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015
So với Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004, Luật đã bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, đơn cử như:
- Làm sai lệch hồ sơ vụ án; làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.
- Bức cung, dùng nhục hình; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cản trở quyền được bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; quyền khiếu nại, tố cáo của người khác.
Ngoài ra, Luật bổ sung chức danh Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng để phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Luật cũng mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an; Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố cho cơ quan ANĐT trong Quân đội.
10. Luật quản lý ngoại thương 2017
Luật quản lý ngoại thương 2017 có nhiều quy định nổi bật về biện pháp quản lý ngoại thương (NT), phát triển hoạt động NT, giải quyết tranh chấp, như:
Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ lần đầu tiên được đưa vào luật.
Luật quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy định cụ thể về các biện pháp hành chính:
- Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
- Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu;
- Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu;
- Chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
- Chứng nhận lưu hành tự do;
- Các biện pháp khác.
11. Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016
So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có những điểm mới nổi bật, đơn cử như:
- Công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo;
- Bổ sung quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung;
- Các quy định mới liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo.
Luật cũng cụ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam:
- Được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;
- Được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị;
- Sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.