1. Thời điểm ban bố lệnh giới nghiêm
Luật Quốc phòng 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) đã quy định cụ thể về thời điểm ban bố và biện pháp áp dụng khi có lệnh giới nghiêm như sau:
- Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các biện pháp được áp dụng trong thời gian giới nghiêm bao gồm:
+ Cấm tụ tập đông người;
+ Cấm người, phương tiện đi lại, hoạt động trong những giờ nhất định, tại những khu vực nhất định;
+ Đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động tại một số nơi công cộng trong những thời điểm nhất định;
+ Đặt trạm canh gác và kiểm soát địa bàn, kiểm tra vật phẩm, hành lý, phương tiện, giấy tờ của người đi lại qua trạm canh gác và kiểm soát;
+ Kịp thời bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm và vi phạm quy định khác của pháp luật.
Xem thêm điểm mới tại đây.
2. Những thông tin được xem là có nội dung tuyên truyền chống nhà nước
Luật an ninh mạng 2018 đã quy định cụ thể những thông tin nào được xem là có nội dung tuyên truyền chống nhà nước trên không gian mạng bao gồm:
- Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
- Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;
- Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
Ngoài ra:
Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:
- Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;
- Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
- Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
- Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Luật an ninh mạng 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Xem thêm điểm mới tại đây.
3. Luật tố cáo 2018: Cho phép rút tố cáo
Đây là một điểm mới tại Luật tố cáo 2018 (có hiệu lực từ 01/01/2019) so với quy định tại Luật tố cáo 2011. Theo đó:
Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo (Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản).
Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết.
Ngoài ra, Luật mới cũng quy định theo hướng rút gọn trình tự giải quyết tố cáo
Tại Điều 28, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước, thay vì 05 bước như quy định trước đây.
04 bước này bao gồm: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; bỏ bước Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo 2011.
Xem thêm điểm mới tại đây.
4. Cụ thể hóa mức xử phạt với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong Luật
Luật cạnh tranh 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 quy định:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 200.000.000 đồng.
Mức phạt nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
Xem thêm điểm mới tại đây.
Còn tiếp...