Quy chế này được xây dựng trên các cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.
Trong đó, ứng viên đáp ứng tất cả tiêu chuẩn sau có thể đăng ký công nhận là kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN CPA):
- Có chứng chỉ kế toán viên Việt Nam hoặc chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam;
- Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất 3 năm trong 5 năm liên tục từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận ASEAN CPA;
- Tuân thủ và đảm bảo chương trình cập nhật kiến thức (CPD) theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Quy chế, đơn cử như:
+ Chậm nhất ngày 31/8 hằng năm, để duy trì chức danh ASEAN CPA thì mỗi ASEAN CPA phải đảm bảo quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức tương tự như áp dụng đối với kế toán viên hành nghề, kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam;
+ Nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hằng năm cho Bộ tài chính;
- Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.
Quyết định 1529/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 09/8/2021.