Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí như sau:
* Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị
- Các vị trí lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học và hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học) được kiện toàn kịp thời, thời gian khuyết đồng thời 2 vị trí không quá 6 tháng.
- Hệ thống văn bản quy chế, quy định nội bộ đã được ban hành đầy đủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
- Chiến lược, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học được ban hành, triển khai và giám sát hiệu quả qua bộ chỉ số hoạt động chính, bảo đảm hằng năm có ít nhất 50% các chỉ số hoạt động chính được cải thiện.
- Dữ liệu quản lý về người học, các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học được kết nối liên thông, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời và nhất quán trên hệ thống HEMIS.
* Tiêu chuẩn 2: Giảng viên
- Tỷ lệ người học quy đổi theo trình độ, lĩnh vực và hình thức đào tạo trên giảng viên toàn thời gian không lớn hơn 40.
- Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%.
- Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ:
+ Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;
+ Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.
* Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất
- Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.
- Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
- Thư viện, trung tâm học liệu có đủ giáo trình, sách chuyên khảo và học liệu khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó:
+ Số đầu sách giáo trình, sách chuyên khảo tính bình quân trên một ngành đào tạo ở mỗi trình độ đào tạo không nhỏ hơn 40;
+ Số bản sách giáo trình, sách chuyên khảo tính bình quân trên một người học quy đổi theo trình độ đào tạo không nhỏ hơn 5.
- Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm; dung lượng đường truyền Internet trên một nghìn người học không thấp hơn trung bình tốc độ mạng băng rộng cố định của Việt Nam.
* Tiêu chuẩn 4: Tài chính
- Biên độ hoạt động, được xác định bằng chênh lệch thu chi trên tổng thu, tính trung bình 3 năm gần nhất nằm trong phạm vi từ 0% đến 30%.
- Chỉ số tăng trưởng bền vững, được xác định bằng trung bình cộng tốc độ tăng tổng thu và tốc độ tăng phần thu ngoài học phí, ngoài ngân sách Nhà nước/nhà đầu tư hỗ trợ chi thường xuyên trong 3 năm gần nhất, không âm.
* Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo
- Tỷ lệ nhập học trên số chỉ tiêu công bố trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm, tính trung bình 3 năm gần nhất không thấp hơn 50%; quy mô đào tạo không sụt giảm quá 30% so với 3 năm trước, trừ trường hợp việc giảm quy mô nằm trong định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học.
- Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%.
- Tỷ lệ tốt nghiệp, được xác định bằng tỷ lệ người học tốt nghiệp trong thời gian không chậm quá 2 năm so với kế hoạch học tập chuẩn, không thấp hơn 60%; tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 40%.
- Tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%; tỷ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm không thấp hơn 70%.
- Tỷ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, tự tạo việc làm hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong thời gian 12 tháng sau khi tốt nghiệp, không thấp hơn 70%.
* Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
- Tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
- Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.
Xem chi tiết tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/3/2024 và thay thế Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015.