Lĩnh vực Thuế, phí, lệ phí
Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 4716/TCT-CS giới thiệu một số điểm mới của Thông tư 151/2014/TT-BTC. Một số nội dung mới nổi bật được giới thiệu gồm:
- Về thuế TNDN: Bổ sung quy định doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho NLĐ. Tổng số chi có tính chất phúc không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN.
- Về thuế GTGT: Bổ sung hướng dẫn về việc khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
- Về thuế TNCN: Khoản lợi ích về nhà ở mà NLĐ làm việc tại KCN, KKT, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được cung cấp miễn phí được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN.
- Về quản lý thuế:
+ Đối với thuế TNDN: DN phải thực hiện tạm nộp số thuế TNDN của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế, và không phải nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính hàng quý.
+ Đối với thuế GTGT: Tăng mức doanh thu của năm trước liền kề để xác định đối tượng kê khai thuế theo quý lên thành 50 tỷ đồng trở xuống thay vì 20 tỷ đồng như quy định cũ.
Thông tư 151/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2014.
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng
Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định 2172/QĐ-NHNN, 2173/QĐ-NHNN và 2174/QĐ-NHNN nhằm điều chỉnh mức trần lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn và tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Mức điều chỉnh cụ thể như sau:
- Theo Quyết định 2172/QĐ-NHNN, mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0,25%/năm và đối với tiền gửi của cá nhân là 0,75%/năm (Giảm 0.25% so với trước đây);
- Theo Quyết định 2173/QĐ-NHNN, mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm;
Đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất này là 5,5%/năm, riêng với Quỹ TDND và Tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức 6%/năm (đều giảm 0,5% so với trước đây);
- Theo Quyết định 2174/QĐ-NHNN, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7%/năm và riêng Quỹ TDND và Tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức 8/%/năm (đều giảm 1% so với trước đây).
Các Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/10/2014 và thay thế Quyết định 497/QĐ-NHNN, 498/QĐ-NHNN và 499/QĐ-NHNN .
Lĩnh vực Thương mại
Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 38/2014/TT-BCT để quy định chi tiết một số điều Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, Thông tư 38 quy định một số nội dung như sau:
- Về hợp đồng đại lý xăng dầu, hợp đồng mua bán xăng dầu, hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu phải có các nội dung chủ yếu như sau: phải quy định về việc cung cấp hoá đơn, chứng từ; trả thù lao; hoá đơn, chứng từ về hàng hoá lưu thông trên đường cho phương tiện vận tải xăng dầu;
- Quy định về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu; thương nhân phân phối; tổng đại lý; đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu;
- DN tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu được phép tạm nhập theo lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ kho nội địa;
- Các nội dung về thủ tục kiểm tra và cấp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận.
Thông tư 38 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2014.
Nhằm quy định phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại nghị định 83/2014/NĐ-CP, liên bộ Công thương và Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch 39/2014/TTLT-BCT-BTC .
Theo đó, TTLT quy định một số nội dung mới như sau:
- Chi phí kinh doanh xăng dầu bình quân định mức được nâng lên thành 1.050đ/lit với xăng; 950đ/lit với dầu diesel, dầu hỏa; 600đ/kg với dầu mazut. Quy định trước đây chỉ có hai mức 860đ/lit với xăng, dầu diesel và 500đ/kg với dầu mazut.
- Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thiết lập ở mức cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut thực tế tiêu thụ . Quy định cũ chỉ dựa trên lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ để thiết lập.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2014 và thay thế thông tư 234/2009/TT-BTC .
Lĩnh vực Xuất - nhập khẩu
Từ ngày 08/12/2014, theo quy định tại thông tư 37/2014/TT-BCT, sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Đối với các hợp đồng đã ký trước ngày Thông tư có hiệu lực, thương nhân được tiếp tục làm thủ tục tạm nhập đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014.