1. Hướng dẫn lập báo cáo tài chính hợp nhấtNgày 22/12/2014, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư
202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất (BCTCHN).
Theo đó, BCTCHN áp dụng biểu mẫu BCTC của doanh nghiệp độc lập và bổ sung các chỉ tiêu như sau:
- Chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán hợp nhất:
+ Chỉ tiêu VI “Lợi thế thương mại” - mã 269 trong phần “Tài sản”.
+ Chỉ tiêu “Lợi ích cổ đông không kiểm soát” - mã 429.
- Chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất:
+ Chỉ tiêu “Phần lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh, liên kết” – mã 24.
+ Chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ” – mã 61.
+ Chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát” – mã 62.
Các thông tin trên phải trình bày trong Bản thuyết minh BCTCHN theo quy định tại Phụ lục 1.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho việc lập, trình bày BCTCHN của năm tài chính bắt đầu từ hoặc sau ngày 01/01/2015.
2. Ưu đãi cho người học năng lượng nguyên tửKể từ 10/02/2015, người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hệ chính quy trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ tại các cơ sở đào tạo được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí.
Ngoài ra, những người này còn được cấp tiền sinh hoạt phí hàng tháng với mức sau:
- Trình độ cao đẳng: bằng 1,5 lần mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực giỏi trở lên; bằng 1,0 lần mức lương cơ sở xếp loại học lực khá;
- Trình độ đại học: bằng 2,5 lần mức lương cơ sở nếu xếp loại học lực giỏi trở lên; bằng 1,5 lần mức lương cơ sở xếp loại học lực khá;
- Trình độ sau đại học: học viên cao học, nghiên cứu sinh được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư liên tịch
208/2014/TTLT-BTC-BGDĐT .
3. Chế độ tập sự đối với giảng viên cao đẳngKể từ ngày 02/03/2015, áp dụng chế độ tập sự với giảng viên cao đẳng như sau:
Người trúng tuyển làm giảng viên phải tập sự 12 tháng, trừ trường hợp người đã giảng dạy ở trường đại học hoặc cao đẳng tối thiểu 12 tháng.
Người có bằng tiến sĩ và đã giảng dạy trong thời gian làm nghiên cứu sinh thì được Hiệu trưởng xem xét rút ngắn thời gian tập sự.
Thời gian tập sự phải được quy định trong hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
Chậm nhất sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày người tập sự đến nhận việc, trưởng bộ môn phải cử giảng viên có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn người tập sự.
Nội dung trên được nêu tại Thông tư
01/2015/TT-BGDĐT và thay thế Thông tư
14/2009/TT-BGDĐT, Điều 1 Thông tư
43/2011/TT-BGDĐT, Quyết định
37/2000/QĐ-BGD&ĐT .
4. Giảng viên Đại học phải dành 1/3 thời gian làm việc để nghiên cứu khoa họcĐó là quy định mới tại Thông tư
47/2014/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giảng viên có hiệu lực từ 25/03/2015.
Ngoài ra, Thông tư này cũng có một số thay đổi về mức giờ chuẩn trong giảng dạy như sau:
- Số giờ chuẩn giảng dạy sẽ áp dụng chung theo mức 270 giờ/năm.
- Việc quy đổi giờ chuẩn không còn phân biệt giảng dạy theo niên chế hay tín chỉ.
- Hướng dẫn làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp sẽ được tính tối đa 25 giờ chuẩn/đồ án, khóa luận; luận văn thạc sĩ tối đa là 70 giờ chuẩn/luận văn; luận án tiến sĩ tối đa là 200 giờ chuẩn/luận án.
Thông tư này thay thế Quyết định
64/2008/QĐ-BGDĐT, Thông tư
36/2010/TT-BGDĐT, Thông tư
18/2012/TT-BGDĐT .
5. Mức chỉnh tiền lương đã đóng BHXH 2015Kể từ 09/03/2015, Thông tư
03/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, đối tượng áp dụng là:
- Đối tượng điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH theo quy định tại điều 2 Nghị định
83/2008/NĐ-CP, từ ngày 01/01 đến 31/12/2015.
- Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH theo quy định tại điều 2 Nghị định
134/2008/NĐ-CP, từ ngày 01/01 đến 31/12/2015.
Thông tư quy định rõ:
- Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 Điều 2.
- Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 Điều 3.
Các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2015 .
6. Hoàn lại 90% giá vé khi chậm chuyến tàuTừ ngày 15/02/2015, Thông tư
80/2014/TT-BGTVT về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa bắt đầu có hiệu lực. Theo đó:
- Hành khách có vé nhưng đến chậm sau khi phương tiện đã xuất bến và đã thông báo cho người kinh doanh vận tải hoặc người bán vé trước 2 giờ nếu trả lại vé thì được hoàn lại 90% giá vé (hiện nay là 80%).
- Trẻ em dưới 1 tuổi được miễn phí vé hành khách khi ngồi chung với người đi kèm (hiện nay bao gồm trẻ em từ 5 tuổi trở xuống).
- Không được để trong khoang hành khách động vật nặng từ 10kg/con trở lên (hiện nay là súc vật nặng từ 40kg/con trở lên).
Thông tư này bãi bỏ Thông tư
20/2011/TT-BGTVT .
7. Lệ phí cấp Giấy phép sản xuất rượuTừ 05/02/2015, để cấp mới, cấp lại do hết hạn, cấp sửa đổi bổ sung Giấy phép sản xuất rượu, tổ chức, cá nhân phải nộp các khoản sau:
- Phí thẩm định điều kiện hoạt động để cấp mới, cấp lại do hết hạn, cấp sửa đổi bổ sung Giấy phép sản xuất rượu:
+ Cơ sở sản xuất rượu công nghiệp có công suất thiết kế từ 3 triệu lít/năm trở lên: 4.500.000 đồng/cơ sở/lần.
+ Cơ sở sản xuất rượu công nghiệp có công suất thiết kế dưới 3 triệu lít/năm: 2.200.000 đồng/cơ sở/lần.
+ Cơ sở rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: 1.100.000 đồng/cơ sở/lần.
- Lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung Giấy phép sản xuất rượu: với rượu công nghiệp là 400.000 đồng/giấy/lần, với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là 200.000 đồng/giấy/lần.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư
196/2014/TT-BTC.