1. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệpTheo Nghị định
28/2015/NĐ-CP , hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) bao gồm:
- Đề nghị hưởng TCTN theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV).
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, người lao động (NLĐ) chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng TCTN phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng TCTN cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi NLĐ muốn nhận TCTN.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/05/2015, các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2015.
2. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm TNNN cho công chứng viênNghị định
29/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Công chứng 2014 quy định nguyên tắc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (TNNN) cho công chứng viên như sau:
- Tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm TNNN cho công chứng viên của tổ chức mình.
- Thời điểm mua bảo hiểm TNNN cho công chứng viên chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày công chứng viên của tổ chức được đăng ký hành nghề.
- Kinh phí mua bảo hiểm TNNN cho công chứng viên của Phòng công chứng được trích từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định mức phí bảo hiểm cho mỗi công chứng viên không được thấp hơn 03 (ba) triệu đồng một năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2015.
3. Ưu đãi trong lựa chọn NĐT thực hiện dự án PPP nhóm CNhà đầu tư (NĐT) có báo cáo nghiên cứu khả thi, đề xuất dự án được phê duyệt thì được hưởng ưu đãi trong quá trình đánh giá về tài chính – thương mại, cụ thể:
- Trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, NĐT không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của NĐT đó để so sánh, xếp hạng.
- Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, NĐT không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà NĐT đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.
- Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước thì NĐT thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần nộp ngân sách nhà nước vào phần nộp ngân sách nhà nước mà NĐT đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.
- Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp, NĐT được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng tổng giá trị ưu đãi không vượt quá 5%.
Nội dung trên được đề cập tại Nghị định
30/2015/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 05/05/2015.
4. Cải thiện môi trường kinh doanhNhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015 - 2016, ngày 12/03/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết
19/NQ-CP . Theo đó, đặt ra nhiều mục tiêu như:
- Năm 2015:+ Rút ngắn thời gian nộp thuế xuống không quá 121,5 giờ/năm và thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm.
+ Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%.
+ Thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày; thời gian cho thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng xuống còn tối đa 30 tháng.
+ Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày.
- Năm 2016:+ Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày.
+ Rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày.
5. Hướng dẫn phương thức chi điều chỉnh tăng lương 2015Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư
32/2015/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có hệ số lương từ 2.34 trở xuống.
Theo đó, phương thức chi trả kinh phí thực hiện có một số điểm đáng lưu ý sau:
- Các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị và cấp ngân sách trực thuộc có nguồn kinh phí lớn hơn nhu cầu thực hiện thì chủ động chi trả tiền lương tăng thêm.
- Cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện cho các đơn vị dự toán ngân sách cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn.
- Các Bộ, cơ quan Trung ương có nhu cầu kinh phí thực hiện lớn hơn nguồn thì Bộ Tài chính sẽ thẩm định (trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan) và thông báo bổ sung kinh phí.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/05/2015, các chế độ quy định tại Thông tư được thực hiện từ ngày 01/01/2015.
6. Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2015Ngày 18/03/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn
1268/BGDĐT-VP hướng dẫn việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015.
Theo đó, yêu cầu các Sở GDĐT phải thực hiện tốt các nội dung sau:
- Chỉ đạo các trường THPT và các trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) phải hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch.
- Tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng Quy chế ban hành kèm Thông tư
58/2011/TT-BGDĐT .
- Chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm GDTX thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp.
- Không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo nói chung, bộ sách ôn tập kì thi THPT quốc gia nói riêng.