Có bao nhiêu hình thức xóa án tích? Yêu cầu xác nhận không có án tích cần điều kiện gì? Thủ tục xác nhận như thế nào?
Xóa án tích là gì?
Căn cứ tại Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Xóa án tích
1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Như vậy, xóa án tích là việc người bị kết án được coi như chưa bị kết án theo quy định pháp luật.
Có bao nhiêu hình thức xóa án tích? Yêu cầu xác nhận không có án tích cần điều kiện gì? Thủ tục xác nhận như thế nào? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu hình thức xóa án tích? Yêu cầu xác nhận không có án tích cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ tại Điều 70, Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, có hai hình thức xóa án tích bao gồm:
- Đương nhiên được xóa án tích
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án.
Trong đó:
- Đương nhiên được xóa án tích: Áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án: Áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Ngoài ra, tại Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối với trường hợp được xóa án tích trong trường hợp đặc biệt như sau:
Người bị kết án có thể được tòa án xóa án tích sớm hơn so với quy định của pháp luật trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện sau:
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
- 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
- 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
- 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định trên.
(khoản 2, 3 Điều Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015)
Như vậy, yêu cầu xác nhận về việc không có án tích thì cần đáp ứng đủ điều kiện về đương nhiên được xóa án tích và khi đó thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 như thế nào? Nơi nộp hồ sơ ở đâu? Thời hạn cấp bao lâu?
Theo quy định tại Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và Điều 37 Luật Cư trú 2020, hồ sơ yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.
- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp cá nhân ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định:
- Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú tại nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.
- Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Theo Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp 2009, thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Xóa án tích có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?
- Giá trị chứng khoán tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định như thế nào theo quy định pháp luật?
- Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nào?