Để được hưởng mức trợ cấp một lần đối với dân quân thường trực cần đáp ứng những điều kiện gì theo quy định pháp luật?
- Quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trong thời bình
- Để được hưởng mức trợ cấp một lần đối với dân quân thường trực cần đáp ứng những điều kiện gì?
- Quy định về chế độ bảo hiểm của dân quân thường trực theo quy định pháp luật
- Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với dân quân thường trực
Quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trong thời bình
Căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định:
"2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này."
Theo đó, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực là 02 năm. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực được kéo dài nhưng không quá 02 năm.
Dân quân thường trực
Để được hưởng mức trợ cấp một lần đối với dân quân thường trực cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ tại Điều 12 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực như sau:
“1. Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định này; đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.
2. Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.
3. Mức trợ cấp đặc thù đi biển theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này.
4. Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
5. Tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.”
Theo nội dung quy định này, trường hợp dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình thì được hưởng mức trợ cấp một lần. Nghị định 72/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/08/2020. Theo đó, từ ngày 15/08/2020 thì dân quân thường trực được hưởng chế độ bảo đảm trợ cấp theo quy định này mà không phụ thuộc vào thời gian nhập ngũ.
Như vậy, lực lượng dân quân thường trực được tuyển chọn từ ngày 02/04/2019 đến ngày 02/04/2021 có đủ 24 tháng và được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình thì sẽ được hưởng mức trợ cấp một lần và bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 12 Nghị định 72/2020/NĐ-CP nêu trên.
Quy định về chế độ bảo hiểm của dân quân thường trực theo quy định pháp luật
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực như sau:
“4. Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”
Theo đó, lực lượng dân quân thường trực được hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với dân quân thường trực
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
“3. Người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này được thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.”
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định:
“2. Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm:
a) Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân;
b) Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
c) Học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.”
Theo đó, dân quân thường trực được thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Các quy định cụ thể về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với dân quân thường trực được thực hiện theo quy định tại Nghị định 33/2016/NĐ-CP (đối chiếu với chế độ bảo hiểm xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam). Về chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định tại Thông tư 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC áp dụng với đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ.
Mai Hoàng Trúc Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dân quân thường trực có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?