Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bằng nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có được hay không?
Tài sản nào được dùng để góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn?
Căn cứ theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn được quy định như sau:
"1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật."
Như vậy, tài sản góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải là một trong các tài sản sau: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để nhà ở dùng để góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014, điều kiện nhà ở dùng để góp vốn, như sau:
- Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;
Ngoài ra:
- Theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở 2014 quy định việc mua bán nhà thuộc sở hữu chung như sau:
"1. Việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu; trường hợp có chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua, nếu các chủ sở hữu chung không mua thì nhà ở đó được bán cho người khác.
Trường hợp có chủ sở hữu chung đã có tuyên bố mất tích của Tòa án thì các chủ sở hữu chung còn lại được quyền bán nhà ở đó; phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người bị tuyên bố mất tích được xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc bán phần quyền sở hữu nhà ở và điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì phần quyền đó được bán cho người khác; trường hợp vi phạm quyền ưu tiên mua thì xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự."
Nếu góp vốn bằng nhà thuộc sở hữu chung cần có sự đồng ý của các chủ sở hữu chung cùng ký vào hợp đồng góp vốn hoặc có văn bản cử người đại diện ký hợp đồng góp vốn bằng nhà ở;
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2014, nếu góp vốn bằng nhà ở cho thuê, cần thông báo cho bên thuê biết và họ vẫn tiếp tục được thuê nhà cho đến hết hạn hợp đồng hoặc có thoả thuận khác.
Như vậy, nhà ở dùng để góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn cần đáp ứng các điều kiện đã nêu trên.
Góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung
Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bằng nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có được hay không?
Căn cứ theo Điều 36 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014, quy định về tài sản chung được đưa vào kinh doanh như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.”
Theo đó, như thông tin mà bạn đã cung cấp, nhà ở mà bạn định dùng để góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp này ngoài đáp ứng các điều kiện để nhà ở dùng để góp vốn như đã nêu trên thì bạn cần có sự thỏa thuận bằng văn bản thỏa thuận giữa hai vợ chồng về việc để bạn đưa nhà ở trên góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Như vậy, bạn có thể sử dụng nhà ở thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng làm tài sản góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người được giáo dục có phải gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục không?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất và phải phá dỡ nhà ở có được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không?
- Kê khai thuế là gì? Hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện kê khai thuế là hành vi nào theo quy định?
- Người nộp thuế lưu ý điều gì khi kê khai thuế? Cơ quan thuế có quyền yêu cầu người nộp thuế giải thích việc khai thuế?
- Ngày giao dịch đầu tiên của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được xác định thế nào?