Hợp tác xã có cơ quan nào là cơ quan quyết định cao nhất? Hợp tác xã quy mô nào không cần phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ?
Hợp tác xã có cơ quan nào là cơ quan quyết định cao nhất?
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:
Đại hội thành viên
1. Đại hội thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại hội thành viên họp thường niên mỗi năm một lần và có thể họp bất thường. Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn, Đại hội thành viên họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần và có thể họp bất thường.
...
Như vậy, theo quy định, cơ quan quyết định cao nhất của hợp tác xã là Đại hội thành viên.
Theo đó, Đại hội thành viên họp thường niên mỗi năm một lần và có thể họp bất thường. Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn, Đại hội thành viên họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần và có thể họp bất thường.
Lưu ý:
- Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.
+ Đại hội toàn thể bao gồm các thành viên chính thức tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên.
+ Đại hội đại biểu bao gồm các đại biểu đại diện cho các thành viên chính thức tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên.
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng số thành viên chính thức từ 50 thành viên trở lên có thể tổ chức đại hội đại biểu.
Cuộc họp Đại hội thành viên có thể mời thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn tham dự.
- Cuộc họp Đại hội thành viên có thể được tổ chức bằng hình thức họp trực tiếp, họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến.
- Cuộc họp Đại hội thành viên phải được ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình để cung cấp cho các thành viên nếu có yêu cầu.
+ Biên bản họp phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký.
+ Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký thì biên bản họp có hiệu lực nếu được trên 50% thành viên tham dự đồng ý ký; biên bản ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký.
+ Người ký tên trong biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của biên bản họp.
Hợp tác xã có cơ quan nào là cơ quan quyết định cao nhất? Hợp tác xã quy mô nào không cần phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ? (Hình từ Internet)
Hợp tác xã quy mô nào không cần phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:
Tổ chức quản trị
1. Tổ chức quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm hai loại:
a) Tổ chức quản trị đầy đủ bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc);
b) Tổ chức quản trị rút gọn bao gồm Đại hội thành viên, Giám đốc, kiểm soát viên.
2. Hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ.
3. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ, liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên có thể tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ hoặc tổ chức quản trị rút gọn.
4. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ.
Như vậy, theo quy định trên, hợp tác xã quy mô siêu nhỏ thì có thể tổ chức quản trị rút gọn mà không cần tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ.
Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị rút gọn có thẩm quyền thế nào?
Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị rút gọn được quy định tại Điều 70 Luật Hợp tác xã 2023, cụ thể như sau:
(1) Thông qua định hướng phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; báo cáo hoạt động của Giám đốc và kiểm soát viên; báo cáo tài chính hằng năm; phương án sản xuất, kinh doanh.
(2) Thông qua phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia và quỹ khác; phương án thù lao, tiền lương, tiền công, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác cho Giám đốc, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý, chuyên môn khác và người lao động.
(3) Thông qua việc đầu tư hoặc bán tài sản chung được chia có giá trị bằng hoặc lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất; việc đầu tư hoặc bán tài sản chung không chia.
(4) Thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên danh, liên kết; tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác, tổ chức đại diện.
(5) Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; định giá hoặc thông qua kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.
(6) Thông qua tổ chức quản trị, quy chế quản trị nội bộ; phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(7) Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, kiểm soát viên; quyết định số lượng, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm người đại diện theo pháp luật.
(8) Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; khen thưởng, kỷ luật thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn.
(9) Thông qua việc kết nạp hoặc chấm dứt tư cách thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn theo quy định của Điều lệ.
(10) Thẩm quyền khác do Đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Phan Thị Như Ý
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp tác xã có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá trị chứng khoán tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định như thế nào theo quy định pháp luật?
- Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nào?
- Tiến hành xác định diện tích đất nào trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo Luật Đất đai mới?
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?