Khi nào hàng hóa bị đánh thuế chống bán phá giá? Trình tự áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam?
Thuế chống bán phá giá là gì? Khi nào hàng hóa bị đánh thuế chống bán phá giá?
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, thuế chống bán phá giá được định nghĩa như sau:
Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Căn cứ Điều 12 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 có quy định:
Thuế chống bán phá giá
1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:
a) Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
b) Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
2. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá:
a) Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;
b) Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo quy định của pháp luật;
c) Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;
d) Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.
3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá (một trong những biện pháp chống bán phá giá) bao gồm:
+ Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
+ Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố trên.
Khi nào hàng hóa bị đánh thuế chống bán phá giá? Trình tự áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Trình tự áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017, để áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam cần trải qua trình tự sau:
- Trước khi áp thuế chống bán phá giá chính thức, cơ quan có thẩm quyền có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời, theo đó:
+ Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra.
+ Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.
+ Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực.
+ Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.
- Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc điều tra, các bên có thể tiến hành lựa chọn áp dụng biện pháp cam kết để thay thế việc bị áp thuế chống bán phá giá.
- Áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức:
+ Khi không đạt được cam kết, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra
+ Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá;
+ Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng;
+ Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này.
Thuế chống bán phá giá có hiệu lực hồi tố hay không?
Căn cứ khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước như sau:
Áp dụng biện pháp chống bán phá giá
...
4. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện như sau:
a) Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;
b) Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.
Như vậy, hiện nay pháp luật có quy định về hiệu lực trở về trước đối với quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng hiệu lực trở về trước này bị giới hạn phạm vi tại điểm b nêu trên.
Trần Thị Nguyệt Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuế chống bán phá giá có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiến hành xác định diện tích đất nào trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo Luật Đất đai mới?
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?
- Thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chậm nhất là bao nhiêu ngày theo quy định pháp luật?
- Hướng dẫn thủ tục đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam mới nhất? Điều kiện để người nước ngoài được đổi sang bằng lái xe Việt Nam là gì?