Mẫu thông báo tuyển dụng công nhân mới nhất dành cho công ty trách nhiệm hữu hạn? Có thể đăng thông báo tuyển dụng theo những hình thức nào?
Mẫu thông báo tuyển dụng công nhân mới nhất dành cho công ty trách nhiệm hữu hạn?
Hiện tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật có liên quan không có quy định cụ thể về mẫu thông báo tuyển dụng người lao động (tuyển dụng công nhân).
Việc soạn thảo mẫu thông báo sẽ do phía công ty tự thực hiện dựa trên các yêu cầu về trình độ, sức khỏe, vị trí công việc cần tuyển dụng.
Khi soạn thảo mẫu thông báo tuyển dụng công nhân thì phía công ty trách nhiệm hữu hạn cần nêu được một số nội dung mô tả công việc như:
(1) Thông tin vị trí việc làm cần tuyển dụng;
(2) Địa điểm làm việc;
(3) Yêu cầu đối với người lao động (trình độ, sức khỏe,....);
(4) Mức lương;
(5) Quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân;
(6) Các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xin việc.
Có thể tham khảo mẫu thông báo tuyển dụng công nhân sau: TẢI VỀ
Mẫu thông báo tuyển dụng công nhân mới nhất dành cho công ty trách nhiệm hữu hạn? (Hình từ Internet)
Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể đăng thông báo tuyển dụng công nhân thông qua những hình thức nào?
Việc tuyển dụng lao động được quy định tại Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuyển dụng lao động, cụ thể như sau:
Tuyển dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 vừa nêu trên thì phía công ty trách nhiệm hữu hạn có thể đăng thông báo tuyển dụng công nhân thông qua những hình thức sau:
(1) Trực tiếp đăng thông báo tuyển dụng lao động (trước cổng công ty, trên trang web,...);
(2) Đăng thông báo tuyển dụng công nhân thông qua tổ chức dịch vụ việc làm;
(3) Tuyển dụng công nhân thông qua doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.
Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng thì công ty trách nhiệm hữu hạn có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động được quy định tại Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;
b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;
d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;
b) Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;
d) Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, trong trường hợp người lao động tới ứng tuyển theo thông báo tuyển dụng công nhân mà phía công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện việc thu tiền đối với người lao động trong lúc tuyển dụng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Đồng thời phía công ty trách nhiệm hữu hạn phải trả lại cho người lao động khoản tiền mà mình đã thu.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá trị chứng khoán tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định như thế nào theo quy định pháp luật?
- Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nào?
- Tiến hành xác định diện tích đất nào trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo Luật Đất đai mới?
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?