Phân biệt đối xử với người lao động tham gia công đoàn cơ sở liệu công ty có bị xử phạt? Công ty có quyền yêu cầu người lao động ra khỏi công đoàn để được ký kết hợp đồng lao động không?
Phân biệt đối xử trong lao động được hiểu là gì?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định về khái niệm phân biệt đối xử trong lao động, cụ thể như sau:
“8. Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.”
Theo đó, việc công ty phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến việc bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp của người lao động cũng được xem là hành vi phân biệt đối xử trong lao động.
Vậy liệu pháp luật có cho phép công ty được quyền yêu cầu người lao động ra khỏi công đoàn cơ sở để có thể ký kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động với họ không? Mời bạn cùng theo dõi nội dung dưới đây để cùng làm rõ vấn đề nêu trên.
Phân biệt đối xử vì người lao động tham gia công đoàn cơ sở
Công ty có được yêu cầu người lao động ra khỏi công đoàn cơ sở để giao kết hợp đồng lao động với họ không?
Tại Điều 175 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở cụ thể như sau:
"Điều 175. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
1. Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:
a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở."
Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty không được phép yêu cầu bạn ra khỏi công đoàn cơ sở để giao kết hay gia hạn hợp đồng lao động với bạn. Đây được xem là một trong những hành vi phân biệt đối xử trong lao động và đã bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện.
Phân biệt đối xử với người lao động tham gia công đoàn cơ sở liệu công ty có bị xử phạt không?
Căn cứ theo Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
"Điều 36. Vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
c) Kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này."
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, nếu công ty yêu cầu bạn phải ra khỏi công đoàn cơ sở thì mới giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động cho bạn thì công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng (mức phạt đối với tổ chức).
Ngoài ra, nếu vi phạm thì công ty còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải nhận bạn trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc vì hành vi vi phạm trên.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công đoàn cơ sở có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?
- Giá trị chứng khoán tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định như thế nào theo quy định pháp luật?
- Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nào?