Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất? Các cách kiểm tra nhà đất có đang bị thế chấp ngân hàng hay không?
Hiện nay, việc mua bán đất là một giao dịch diễn ra cực kỳ phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, trước khi mua nhà đất bạn cần phải cẩn thận kiểm tra xem nhà đất đó có đang bị thế chấp hay không. Bởi khi đất bị thế chấp thì việc mua bán nhà đất sẽ gặp những rủi ro pháp lý rất lớn. Hiện nay có những cách sau để kiểm tra xem nhà đất có đang bị thế chấp hay không:
Kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trước khi mua bán nhà đất bạn phải yêu cầu chủ nhà cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc. Đối với nhà đất được thế chấp tại ngân hàng, ngân hàng sẽ ghi rõ trực tiếp vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “Đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng... theo hợp đồng số.. hoặc đính kèm một tờ giấy riêng (trang bổ sung có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai). Các thông tin này được thể hiện ở trang số 3, số 4 hoặc trang bổ sung của giấy chứng nhận.
Khi tài sản đang được thế chấp hợp pháp thì bên nhận thế chấp giữ bản chính và được cơ quan có thẩm quyền đóng dấu và ghi dòng chữ: “Đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng... theo hợp đồng số..”.
Kiểm tra thông tin mảnh đất thông qua những người xung quanh
Để kiểm tra thông tin nhà đất người bán có đang thế chấp hay không bạn có thể liên hệ qua các sàn giao dịch bất động sản uy tín. Bạn nên chọn các sàn giao dịch hoặc các cơ sở môi giới có giấy tờ hoạt động hợp pháp, làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và được nhiều khách hàng tin tưởng.
Tuy nhiên, để chắc chắn nhất thì trước khi giao dịch, người mua vẫn phải kiểm tra kỹ lại thông tin về bên bán. Khi bên bán thế chấp nhà đất cho các tổ chức vay nóng và bạn không thể kiểm tra thông tin tại cơ quan chức năng, việc dò hỏi người dân trong khu vực được cho là một cách làm hiệu quả. Bạn có thể hỏi họ về thông tin người bán cũng như bất động sản định mua, ví dụ như người bán là người thế nào? Nhà đất đó có đúng là thuộc quyền sở hữu của họ hay không? Vấn đề an ninh ở địa chỉ đó ra sao, có thấy ai đến đòi tiền hay siết nợ gì không?
Bạn có thể khảo sát, hỏi thăm người dân xung quanh trong khu vực để coi tình hình an ninh tại khu vực này như thế nào, có ai tới siết nợ, có thật nhà đất đó là của người rao bán hay không... Đây cũng là cách để đảm bảo sự an toàn, chắc chắn trước khi quyết định mua nhà đất.
Tra cứu thông tin tại phòng công chứng
Để tra cứu thông tin tại phòng công chứng bạn phải yêu cầu người bán cung cấp bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Sau đó đem bản photo đến văn phòng công chứng để họ tra cứu xem thông tin nhà, đất đó có đang thế chấp ngân hàng hay không.
Kiểm tra tại các cơ quan chức năng
Để biết nhà đất có đang thế chấp ngân hàng hay không bạn có thể kiểm tra thông qua các Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà, đất đó.
Tương tự như cách kiểm tra tại văn phòng công chứng, bạn có thể dùng bản photo Giấy chứng nhận bên bán cung cấp có thể dùng kiểm tra về tình trạng của nhà đất có đang thế chấp hay không.
Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất? Các cách kiểm tra nhà đất có đang bị thế chấp ngân hàng hay không? (Hình từ Internet)
Kiểm tra hợp đồng đặt cọc mua nhà?
Khi muốn mua nhà đất thì người mua phải đặt cọc một khoản tiền nhất định dựa theo giá trị của mảnh đất, ngôi nhà. Do đó, cần phải chú ý thông tin ở hợp đồng đặt cọc vì nó chính là bằng chứng giúp bạn bảo vệ quyền lợi bên mua (thông thường khoản tiền đặt cọc sẽ không vượt quá 10% giá trị mua bán).
Ngoài ra, hợp đồng đặt cọc cần đầy đủ thông tin chính xác và thống nhất như thông tin của hai bên bao gồm: Thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ cấp ngày bao nhiêu, thời gian và địa điểm đặt cọc, đặc điểm nhà đất, giá trị mảnh đất (ngôi nhà), tiền đặt cọc và cách thức thanh toán, xác định bên chịu thuế phí và lệ phí, xử lý tiền đặt cọc khi phát hiện hành vi vi phạm hợp đồng.....
Trường hợp bên bán công khai việc thế chấp ngân hàng hoặc người mua phát hiện ra rằng nhà đất định mua đang thế chấp, thì người mua cần lập biên bản cam kết 3 bên gồm bạn (người mua) - người bán (bên thế chấp) - ngân hàng (bên nhận thế chấp). Nội dung biên bản sẽ liên quan đến việc thanh toán tiền mua giữa bên bán với bên mua và thanh toán tiền nợ giữa bên bán với ngân hàng. Văn bản này sẽ giúp ràng buộc quyền, nghĩa vụ của cả 3 bên trong việc thanh toán tiền, xử lý vi phạm hợp đồng cũng như xử lý tài sản là căn nhà thế chấp
Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Đối với bên chuyển quyền sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tai khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Đối với bên nhận chuyển quyền
Căn cứ theo quy định tại Điều 191, Điều 192 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện đối với bên nhận chuyển quyền theo đó:
Bên nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho phải không thuộc trường hợp bị cấm nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho theo quy định tại Điều 191 hoặc hộ gia đình, cá nhân phải đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ theo quy định Điều 192.
Phạm Văn Quốc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quyền sử dụng đất có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người được giáo dục có phải gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục không?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất và phải phá dỡ nhà ở có được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không?
- Kê khai thuế là gì? Hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện kê khai thuế là hành vi nào theo quy định?
- Người nộp thuế lưu ý điều gì khi kê khai thuế? Cơ quan thuế có quyền yêu cầu người nộp thuế giải thích việc khai thuế?
- Ngày giao dịch đầu tiên của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được xác định thế nào?