Hợp đồng ủy quyền vô hiệu trong trường hợp nào? Trường hợp nào các bên phải tự mình thực hiện mà không được thông qua hợp đồng ủy quyền?
Hợp đồng ủy quyền vô hiệu trong trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy theo quy định trên hợp đồng ủy quyền sẽ vô hiệu nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- Chủ thể của hợp đồng uỷ quyền không đủ điều kiện hoặc không đảm bảo: Không đảm bảo năng lực hành vi dân sự phù hợp, không tự nguyện, không đảm bảo về hình thức của hợp đồng uỷ quyền: Do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
- Vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội: Hiện nay, pháp luật đặt ra những quy định mà mỗi cá nhân, tổ chức đều phải thực hiện theo. Do đó, cũng như các giao dịch khác, hợp đồng uỷ quyền cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của luật, đạo đức xã hội.
- Do giả tạo: Nhằm để che giấu một hợp đồng khác đằng sau hợp đồng uỷ quyền (ví dụ hợp đồng mua bán…) mà các bên lập hợp đồng uỷ quyền thì hợp đồng này cũng sẽ bị tuyên vô hiệu.
Hợp đồng uỷ quyền vô hiệu trong trường hợp nào? Trường hợp nào các bên phải tự mình thực hiện mà không được thông qua hợp đồng uỷ quyền? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào các bên phải tự mình thực hiện mà không được thông qua hợp đồng ủy quyền?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
Như vậy theo quy định trên các bên nam nữ phải tự mình ký vào sổ hộ tịch cũng như giấy đăng ký kết hôn. Do đó, trường hợp nam nữ kết hôn không thể uỷ quyền cho người thứ ba thực hiện thay.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
Công chứng di chúc
1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Như vậy theo quy định trên người để lại di chúc bắt buộc phải tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng di chúc bởi việc để lại di sản của mình cho người khác sau khi chết cũng cần dựa vào sự tự nguyện, người để lại di chúc phải minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc.
Công chứng hợp đồng ủy quyền được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
- Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
- Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Phạm Thị Kim Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng ủy quyền có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính là gì?
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?