Phương thức xác định kết quả đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ từ 15/01/2024 theo quy định tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP?
- Phương thức xác định kết quả đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ từ 15/01/2024 theo quy định tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP?
- Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước là gì và thực hiện theo nguyên tắc, hình thức nào?
- Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế thực hiện như thế nào?
- Giao dịch trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước thực hiện như thế nào?
Phương thức xác định kết quả đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ từ 15/01/2024 theo quy định tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP?
Hiện nay, phương thức xác định kết quả đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:
5. Việc xác định kết quả đấu thầu được thực hiện theo một trong hai phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá. Căn cứ vào sự phát triển của thị trường, Bộ Tài chính quyết định phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá trong từng thời kỳ.
Vừa qua, Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 83/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 83/2023/NĐ-CP đã sửa đổi quy định trên như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 15 như sau:
“5. Việc xác định kết quả đấu thầu được thực hiện theo phương thức đấu thầu đơn giá.”
Như vậy, từ 15/01/2024 thì việc xác định kết quả đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước không còn được thực hiện theo hai phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá mà sẽ thực hiện theo một phương thức là đấu thầu đơn giá.
Phương thức xác định kết quả đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ từ 15/01/2024 theo quy định tại Nghị định 83/2023/NĐ-CP?
Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước là gì và thực hiện theo nguyên tắc, hình thức nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 95/2018/NĐ-CP có thể hiểu:
- Đấu thầu phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua trái phiếu.
(*) Nguyên tắc tổ chức đấu thầu:
- Giữ bí mật mọi thông tin dự thầu của đối tượng tham gia đấu thầu.
- Thực hiện công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đối tượng tham gia đấu thầu.
(*) Đối tượng tham gia đấu thầu:
Nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Mục 4 Chương II Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
Các đối tượng khác quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 95/2018/NĐ-CP mua trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu thông qua các nhà tạo lập thị trường.
(*) Hình thức đấu thầu
Đấu thầu trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo một trong hai hình thức sau:
- Đấu thầu cạnh tranh lãi suất;
- Đấu thầu kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất. Trường hợp phiên đấu thầu được tổ chức theo hình thức này, tổng khối lượng trái phiếu phát hành không cạnh tranh lãi suất đảm bảo không vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu trong phiên đấu thầu.
Ngoài ra, Chủ thể tổ chức phát hành trực tiếp tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ hoặc tổ chức đấu thầu thông qua Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính.
Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Quản lý nợ công 2017 thì phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế thực hiện như sau:
- Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ của Chính phủ.
- Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
- Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Sự cần thiết phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế;
+ Nhu cầu, khả năng huy động vốn, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, hệ số tín nhiệm của Việt Nam và tình hình thị trường vốn quốc tế;
+ Hình thức phát hành, khối lượng huy động, kỳ hạn, lãi suất dự kiến, đồng tiền phát hành, thị trường huy động;
+ Phương án sử dụng nguồn vốn huy động;
+ Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay và tác động của khoản vay mới đối với nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công.
- Căn cứ Đề án đã được Chính phủ phê duyệt, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện.
Giao dịch trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì:
(1) Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
(2) Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các loại hình sau:
- Mua bán thông thường;
- Mua bán lại và bán kết hợp mua lại;
- Các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.
(3) Giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 95/2018/NĐ-CP được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Kỳ hạn của giao dịch tối đa không quá 01 năm;
- Bên mua và bên bán tự thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch bao gồm các nội dung cơ bản sau: khối lượng; lãi suất (hoặc giá trái phiếu); kỳ hạn; tài sản bảo đảm; tỷ lệ phòng ngừa rủi ro; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan- xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận.
(4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
(5) Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP và pháp luật chứng khoán.
Nghị định 83/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2024
Phạm Phương Khánh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trái phiếu Chính phủ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá trị chứng khoán tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro được xác định như thế nào theo quy định pháp luật?
- Kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nào?
- Tiến hành xác định diện tích đất nào trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện theo Luật Đất đai mới?
- Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân khi ủy quyền cho công ty quyết toán thuế TNCN là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước đúng không?
- Quyết định trưng dụng đất có được ủy quyền không? Cơ quan nào sẽ quyết định bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra?