Tiến hành khai nhận di sản thừa kế ở đâu? Thủ tục khai nhận di sản thừa kế như thế nào? Mẹ có được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc của con trai không?
Tiến hành khai nhận di sản thừa kế ở đâu?
Sau khi người có tài sản chết, những người có quyền lợi liên quan cần phải làm thủ tục khai tử tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người chết và tiến hành mở thừa kế.
Địa điểm mở thừa kế là nơi làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, là nơi Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định việc thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, nơi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các quyền và lợi ích của những người liên quan đến di sản thừa kế. Địa điểm mở thừa kế được quy định tại Khoản 2 Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015.
Căn cứ vào Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Việc khai nhận di sản thừa kế sẽ thực hiện tại văn phòng công chứng nơi cư trú cuối cùng của người có di sản, nơi cư trú cuối cùng có thể là nơi người chết có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú có thời hạn của người đã chết. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì nơi khai nhận di sản thừa kế sẽ xác định là văn phòng công chứng nơi có toàn bộ hoặc nơi có nhiều di sản thừa kế nhất.
Theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng 2014 như sau:
Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản
1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
Mẹ có được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc của con trai không? (Hình từ Internet)
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế như thế nào?
Những người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau nên nếu muốn để lại tài sản cho mình anh thì những người còn lại nên lập văn bản từ chối nhận di sản.
Những người thừa kế đến UBND xã hoặc văn phòng công chứng để thực hiện thỏa thuận phân chia di sản. Nếu người có văn bản từ chối nhận di sản rồi thì có thể không đến.
Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản/hoặc văn bản khai nhận di sản thì anh mang giấy tờ này đi làm thủ tục sang tên cho bản thân.
Cụ thể cần thực hiện theo các bước thực hiện như sau:
Khai nhận di sản thừa kế. Hồ sơ cần chuẩn bị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng 2014 như sau:
- Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu di sản của người mất (Giấy CNQSDĐ chẳng hạn)
- Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế (CMND, hộ khẩu)
- Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (khai sinh)
Khi làm thủ tục khai nhận bắt buộc phải có những người nhận thừa kế có mặt ký tên, trường hợp người nào vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền cho người khác hoặc những người còn lại.
- Về thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất:
- Thẩm quyền: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.
- Hồ sơ gồm: Bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng; sổ đỏ; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử…).
Văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận.
Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho chủ sở hữu.
Tải về mẫu văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế mới nhất 2024: Tại Đây
Mẹ có được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc của con trai không?
Theo tinh thần Bộ luật Dân sự 2015, nếu người chết để lại di chúc hợp pháp, tài sản của người đó sẽ được chia theo di chúc; nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp lệ thì chia theo pháp luật. Tuy vậy, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Theo quy định có 06 nhóm đối tượng được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, gồm:
- Con chưa thành niên của người để lại di sản;
- Cha của người để lại di sản;
- Mẹ của người để lại di sản;
- Vợ của người để lại di sản;
- Chồng của người để lại di sản;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản.
Theo đó, cho dù những người trên không có tên trong di chúc, nhưng vì mối quan hệ huyết thống, quan hệ vợ chồng gắn bó với người mất mà pháp luật quy định những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế.
Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Di sản thừa kế có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hồ sơ mời thầu tư vấn theo thông tư 06 mới nhất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính là gì?
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?